Sẽ cắt giảm hơn 60% trong 5.905 điều kiện kinh doanh
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, ông Mai Tiến Dũng, tại công bố Báo cáo Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính (Chỉ số APCI 2018), hôm 17.8, cho biết, trong 8 lĩnh vực được khảo sát của Chỉ số APCI, cắt giảm điều kiện kinh doanh và thủ tục kiểm tra chuyên ngành được Chính phủ đặt trọng tâm cải cách trong năm 2018.
Mới chỉ cắt giảm hơn 12%
Tính tới phiên họp Chính phủ tháng 7, các Bộ, cơ quan mới chỉ cắt giảm 900 điều kiện, tức hơn 12%. Tuy nhiên, hiện các Bộ đang thực hiện rất nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ chậm nhất cũng đã trình dự thảo Nghị định cắt giảm điều kiện kinh doanh trong ngày 16.8.
Theo Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, tới đây Chính phủ sẽ thực hiện được mục tiêu cắt giảm ít nhất 50% và có thể tới trên 60% tổng số điều kiện kinh doanh hiện hành để đáp ứng mong đợi của cộng đồng doanh nghiệp.
Trong đó, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội dự kiến cắt hơn 65% số điều kiện; Bộ Y tế cắt hơn 72% số điều kiện; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch dự kiến cắt giảm 54%. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cắt giảm rất mạnh.
Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, đến nay về cơ bản các Bộ đã trình Nghị định về cắt giảm điều kiện kinh doanh theo yêu cầu của Chính phủ. Ông dẫn một nghiên cứu, riêng trong lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu, mỗi năm doanh nghiệp phải bỏ ra 28,6 triệu ngày công và 14.300 tỷ đồng chi phí.
Từ thực tế này, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nhận xét: “Cán bộ thực thi thủ tục không ai muốn rời bỏ quyền lợi của mình”. Theo ông, “công khai, minh bạch, chi phí lót tay sẽ giảm rất nhiều”.
Lần đầu đánh giá
Công bố Báo cáo Chỉ số APCI 2018, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, cho đó là những kết quả cụ thể mới nhất trong rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh, thủ tục, danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành của các Bộ ngành.
Báo cáo Chỉ số APCI 2018, cho thấy nhóm thủ tục thuế hiện đang có chi phí thực hiện thấp nhất, trung bình chỉ hơn 73.000 đồng, trong khi nhóm thủ tục xây dựng có chi phí cao nhất, trung bình lên tới hơn 64 triệu đồng.
Báo cáo cũng chỉ rõ chi phí thực hiện cùng một thủ tục có sự khác biệt giữa các địa phương. Chẳng hạn về thủ tục xây dựng, các tỉnh tại vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ có mức chi phí tuân thủ cao nhất, gấp gần 2,3 lần so với mức trung bình cả nước, trong khi mức chi phí tuân thủ tại các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam chỉ tương đương 20% mặt bằng chung toàn quốc.
Báo cáo được xây dựng trên cơ sở tham khảo các báo cáo về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh quốc gia của Ngân hàng Thế giới và Diễn đàn Kinh tế Thế giới, đồng thời khảo sát thực tế trên các vùng miền cả nước. Mục tiêu là minh bạch, rõ ràng, công tâm và đánh giá tương đối chính xác.
Báo cáo Chỉ số APCI 2018 nhấn mạnh 3 vấn đề cải cách trọng tâm.
Thứ nhất, những nỗ lực cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ và các bộ ngành cần phải được tiếp tục duy trì và đẩy mạnh nhằm kiến thiết được môi trường kinh doanh thuận lợi, không chỉ vào nhóm đứng đầu trong ASEAN mà còn phấn đấu vươn lên tiêu chí của các nước nhóm OECD.
Thông qua Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính năm 2018, cộng đồng doanh nghiệp đã trực tiếp có ý kiến phản hồi về những nỗ lực cải cách của 8 lĩnh vực liên quan mật thiết tới hoạt động kinh doanh.
Trong 8 lĩnh vực được khảo sát, chuyên đề cắt giảm điều kiện kinh doanh và thủ tục kiểm tra chuyên ngành đã và đang được Chính phủ đặt trọng tâm cải cách trong năm 2018. Để đáp ứng mong đợi của cộng đồng doanh nghiệp, Chính phủ đã đặt chỉ tiêu và thời gian cụ thể: rà soát và cắt giảm 50% về điều kiện kinh doanh và thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Cho đến nay, về cơ bản các Bộ đã trình Nghị định về cắt giảm điều kiện kinh doanh theo yêu cầu của Chính phủ.
Thứ hai, những đánh giá tích cực của cộng đồng doanh nghiệp trong việc triển khai phương thức Chính phủ điện tử thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dịch vụ hành chính công cho thấy sự cần thiết phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính gắn với giải pháp Chính phủ điện tử nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động phục vụ doanh nghiệp của nhà nước, tăng tính minh bạch và giảm tiêu cực, nhũng nhiễu trong bộ máy cơ quan nhà nước.
Ba nhóm thủ tục có mức chi phí tuân thủ thấp nhất theo kết quả Chỉ số APCI 2018 (thuế, khởi sự kinh doanh và hải quan) cũng chính là những nhóm thủ tục có các thủ tục hành chính đang được ứng dụng dịch vụ công trực tuyến ở mức cao hơn so với các thủ tục hành chính của các nhóm thủ tục còn lại.
Thứ ba, Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính là kết quả đo lường dựa trên trải nghiệm của doanh nghiệp đối với tính hợp lý của quy định pháp luật, thực tiễn thi hành và chất lượng thực thi thủ tục hành chính.
Theo đó, chỉ số bổ sung cho các chỉ số hiện có đánh giá về môi trường kinh doanh, quản trị hành chính công của Việt Nam; và là dữ liệu cơ sở ban đầu cho việc đánh giá hiệu quả của các nỗ lực cải cách theo từng nhóm thủ tục hành chính và theo vùng miền, địa phương trong các năm tiếp theo.
Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ tin rằng, với chỉ số này, Chính phủ sẽ có thêm công cụ được lượng hóa để so sánh nỗ lực cải cách của từng địa phương, bộ ngành và từ đó tạo sức ép và cạnh tranh trong cải cách giữa các đơn vị.
Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết Thủ tướng đang rất quan tâm vấn đề kéo giảm chi phí cho doanh nghiệp, trong đó có tình trạng đi lại nhiều lần, mất nhiều thời gian để thực hiện thủ tục hành chính.