SCIC xoay sở thoái vốn trên sàn chứng khoán
Tuy nhiên, sau gần 5 tháng đầu năm, SCIC chỉ mới thực hiện việc thoái vốn tại 6/34 doanh nghiệp niêm yết. Tại các doanh nghiệp này, mới chỉ có TBC và NSC lộ diện rõ những “ông chủ” mới, hướng đến sở hữu cổ phần chi phối.
Tính đến ngày 23/05/2014, SCIC chỉ mới thực hiện việc thoái vốn tại 6/34 doanh nghiệp niêm yết là TSC, C47, DNC, NSC, TBC và TET. Trong đó, hầu hết nhà đầu tư mua cổ phần của SCIC đều là những cá nhân.
Thanh khoản của những mã cổ phiếu trên rất thấp, được giao dịch mạnh nhất là Vật tư Kỹ thuật Nông nghiệp Cần Thơ (HOSE: TSC) và Thủy điện Thác Bà (HOSE: TBC) nhưng cũng chỉ đạt 40,500 cp/phiên và 16,800 cp/phiên trong 3 tháng gần nhất.
Các doanh nghiệp thoái vốn của SCIC trên sàn niêm yết 5 tháng đầu năm 2014
Trong 3 tháng gần đây, Vải sợi May mặc Miền Bắc (HNX: TET) và Vật tư Kỹ thuật Nông nghiệp Cần Thơ (HOSE: TSC) là hai cổ phiếu ấn tượng với mức tăng giá mạnh trên thị trường chứng khoán, tăng lần lượt là 74% và 36%. Và việc thoái vốn của SCIC tại đây vào giữa tháng 3/2014 vẫn còn nhiều bí ẩn, danh sách những cổ đông mới vẫn chưa lộ diện.
SCIC đã bán đến hơn 28% và 42% vốn sở hữu tại TET và TSC; trong đó, TET được bán giá 22,000 đồng/cp, mang về cho SCIC 36 tỷ đồng; còn TSC giao dịch thỏa thuận với mức giá trần 17,000 đồng/cp tại phiên ngày 12/03 với giá trị gần 60 tỷ đồng.
Với cổ phiếu NSC của Giống cây trồng Trung ương và TBC của Thủy điện Thác Bà, dường như việc thoái vốn của SCIC là cơ hội thâu tóm cho Công ty chứng khoán Sài Gòn (HOSE: SSI) và Cơ điện lạnh (HOSE: REE). Cả NSC và TBC đang dần “lột xác” với cơ cấu cổ đông mới.
Nhóm cổ đông SSI hiện là cổ đông lớn nhất của NSC, chỉ tính riêng Xuyên Thái Bình (HOSE: PAN), đơn vị này đã được đồng ý việc chào mua công khai nhằm tăng sở hữu tại NSC lên tới 65%. NSC là đơn vị có lợi nhuận tăng trưởng đều qua các năm, giá cổ phiếu cũng trên đà tăng dài hạn từ năm 2009 đến nay nhưng thanh khoản cổ phiếu còn yếu.
Tương tự SSI, REE đã trở thành nhân tố cổ đông mới và nắm vị trí then chốt tại TBC. Theo thông tin giao dịch ngày 26/05 vừa qua, đơn vị đã chi gần 253 tỷ đồng để gom 12.5 triệu cổ phiếu TBC, đạt tỷ lệ sở hữu chi phối, tương ứng gần 60% vốn của TBC.
Trước đó, một nhà đầu tư tên Nguyễn Tấn Thắng đã bỏ ra gần 285 tỷ đồng thực hiện mua toàn bộ 15.24 triệu cổ phiếu Thủy điện Thác Bà (HOSE: TBC) của SCIC trong giao dịch thỏa thuận vào ngày 14/04. Trên sàn chứng khoán, giá cổ phiếu TBC đã tăng gần 20% từ đầu năm đến nay, từ 17,000 lên 20,200 đồng/cp.
Xây dựng 47 (HOSE: C47) và Điện nước Lắp máy Hải Phòng (HXN: DNC) cũng đã không còn SCIC trong danh sách cổ đông và thay thế bởi những nhà đầu tư cá nhân mới. Ngày 18/03 SCIC đã bán xong hơn 2 triệu cổ phiếu C47 cho 3 nhà đầu tư cá nhân, lần lượt là ông Lê Trường Sơn, ông Trần Hoàng Tuấn và ông Phan Ngọc Thuận. Điều cũng đáng lưu ý, trong cơ cấu nguồn vốn của C47 tính đến cuối quý 1/2014, nợ phải trả chiếm đến 90% , tương đương 1,679 tỷ đồng.
Ngoài ra, 1.26 triệu cổ phiếu DNC, tương ứng với hơn 57% vốn mà SCIC nắm giữ tại đây, đã được mua bởi 7 nhà đầu tư cá nhân chưa lộ danh tính trong giao dịch thỏa thuận ngày 16/05/2014 với giá 11,300 đồng/cp, giá trị khoảng 14.3 tỷ đồng.
“Hàng tồn khó bán” hay “của ngon để lại”?
Còn 28 doanh nghiệp tiếp tục nằm trong lộ trình thoái vốn của SCIC tính đến cuối năm 2014. Ngoại trừ 5 đơn vị là PPC, NDN, HPC, QST, TH1 mà người viết không có được số liệu cụ thể về tỷ lệ sở hữu của SCIC; thì gần 135 triệu cổ phiếu của 23 doanh nghiệp còn lại có thị giá ước khoảng 1,952 tỷ đồng (tính theo giá đóng cửa phiên ngày 23/05/2014), cao hơn giá trị sổ sách 6%.
Các doanh nghiệp niêm yết SCIC thoái vốn đến hết năm 2014
*Tính đến ngày 23/05/2014
RDP**: Chỉ mới chào bán quyền mua cổ phiếu vào tháng 4
Hầu hết doanh nghiệp trong danh sách trên đều làm ăn có lãi trong hai năm vừa qua, lợi nhuận đa phần cũng ghi nhận tăng trưởng. Tổng lợi nhuận sau thuế năm 2013 của các doanh nghiệp đạt 2,690 tỷ đồng, tăng gần 90% cùng kỳ. Tuy nhiên, nhiều cổ phiếu trên thị trường chứng khoán lại giảm giá mạnh trong 3 tháng vừa qua; đặc biệt, CTX, DBC, HBE, RAL, VNE và YCB có giá giảm trên 20%.
Cũng cần lưu ý hàng loạt cổ phiếu mà SCIC đang thoái vốn trong năm nay có thanh khoản rất yếu như BED, CTX, DBT, DHT, HBE, RAL, INN, SSC, QST, TSM, TH1, QTC, VXB và YBC. Bình quân mỗi phiên chỉ có vài trăm hoặc vài ngàn cổ phiếu được giao dịch. Đây cũng là một áp lực lớn cho việc thoái vốn thành công của SCIC.
Được biết vào tháng 11/2013, 8.69 triệu cổ phiếu Nông dược Hai (HOSE: HAI) thuộc sở hữu của SCIC mang ra đấu giá nhưng do không đạt mức giá kỳ vọng nên số cổ phiếu này vẫn chưa được giao dịch thành công. Năm vừa qua HAI đạt mức tăng trưởng lợi nhuận 13.8%, cổ phiếu cũng tăng 3.3%, tuy nhiên khối lượng giao dịch khá thưa thớt với khoảng 1,000 cp/ngày.
Riêng RDP, SCIC chỉ mới từ chối mua cổ phần mới chứ chưa tiến hành thoái vốn. Cụ thể, SCIC mới tiến hành đấu giá 6.23 triệu quyền mua cho cổ phần mới phát hành hồi tháng 4 vừa qua.
Cá biệt là Xi Măng và Khoáng sản yên Bái (HNX: YBC) kinh doanh năm thứ 3 liên tiếp thua lỗ, ngày 28/05 tới đây cổ phiếu YBC sẽ bị hủy niêm yết. Đây là đơn vị mà SCIC còn nắm giữ đến hơn 40% vốn.
Khả quan cho SCIC là VNE, PPC, HPC và VSH. Nhóm cổ phiếu này đều có thanh khoản tương đối, không có cổ phiếu nào giao dịch bình quân dưới 800 ngàn cp/phiên trong 3 tháng vừa qua. Tuy nhiên, cả 4 cổ phiếu đều ghi nhận sự sụt giảm về giá trong khoảng thời gian này.
3 triệu cổ phiếu Bóng đèn Điện Quang (HOSE: DQC) đang được trông chờ mang lại sự bù đắp đáng kể cho SCIC khi thị giá gấp 13 lần giá trị sổ sách, đạt 106 tỷ đồng. Khối lượng giao dịch bình quân trong vòng 1 quý cũng không đến nỗi với hơn 34 ngàn cp/ngày. Năm vừa qua DQC có mức tăng trưởng lợi nhuận gấp 2.5 lần cùng kỳ, đạt 121 tỷ đồng.
Ngoài ra TSM, VFR với QST, TH1 được coi là có mức tăng giá cổ phiếu khá “nóng” với hơn 25% chỉ trong 1 quý. Tuy nhiên khối lượng giao dịch lại rất thấp, ngoại trừ Vận tải và Thuê tàu (HNX: VFR) có được gần 36 ngàn cp/ngày trong vòng 1 quý vừa qua.
Nhìn chung mức giá của các cổ phiếu mà SCIC đang nắm giữ có sự sụt giảm đáng kể trong vòng 1 quý vừa qua, thế nhưng thị giá vẫn đang ở mức cao hơn giá trị sổ sách, kết quả kinh doanh năm qua cũng có sự tăng trưởng đáng kể. Một số mã có thị giá thấp hơn rất nhiều so với giá trị sổ sách nhưng tính thanh khoản lại rất kém gồm CTX, TSM và YBC.
Không thoái vốn tại 3 “ông lớn”
Cũng theo đề án tái cơ cấu, SCIC vẫn sẽ tiếp tục nắm giữ vốn đầu tư dài hạn tại 3 “ông lớn” trên thị trường chứng khoán là Vinamilk (HOSE: VNM), Tập đoàn FPT (HOSE: FTP), Dược Hậu Giang (HOSE: DHG). Tổng lượng cổ phiếu nắm giữ là hơn 420.68 triệu đơn vị, thị giá tính đến ngày 23/05/2014 là 51,403 tỷ đồng, gấp 5 lần giá trị sổ sách.
Sở hữu của SCIC tại DHG, VNM, FPT tính đến 23/05/2014
* Tính đến ngày 23/05/2014
Năm 2013, cả 3 doanh nghiệp trên đều có sự tăng trưởng lợi nhuận. Tổng lợi nhuận đạt được 8,831 tỷ đồng, tăng 13% cùng kỳ. Cổ tức bằng tiền đem lại cho SCIC ước khoảng 1,871 tỷ đồng.
Nguồn NDH Money