SCIC tăng cường quyền lực trong mùa đại hội cổ đông 2012
Trao đổi với ĐTCK, ông Lê Song Lai cho biết, quan điểm của SCIC là với những doanh nghiệp có quy mô lớn, kinh doanh hiệu quả, SCIC sẽ cử người tham gia HĐQT để sâu sát hơn hoạt động của doanh nghiệp, phát huy tốt hơn hiệu quả đồng vốn Nhà nước.
Giới quan sát nhìn nhận, kể từ sau vụ lình xình liên quan đến lương thưởng tại SCIC, họ tham gia chặt chẽ hơn vào các doanh nghiệp. Đơn cử, tại Vinaconex, SCIC có 2 thành viên HĐQT (trước đây chỉ có 1 người); tại một doanh nghiệp quy mô nhỏ hơn, năm nay SCIC đưa ứng viên bầu bổ sung vào Ban kiểm soát…
Thông thường, chỉ một số doanh nghiệp quan trọng hoặc đang có nhiều tồn tại, SCIC mới trực tiếp cử cán bộ của Tổng công ty làm người đại diện và tham gia quản lý doanh nghiệp.
Trong vòng 2 năm trở lại đây, bằng lá phiếu cổ đông lớn của mình, SCIC tham gia vào quá trình “thay máu” ở nhiều doanh nghiệp. Năm 2011, tổng công ty này cử 67 người đại diện, chấm dứt đại diện vốn của 55 người đại diện. Trước mùa ĐHCĐ 2012, SCIC có 522 người đại diện, trong đó có 469 người đại diện chuyên trách (90% người đại diện chuyên trách giữ các chức danh lãnh đạo, điều hành doanh nghiệp).
Bình luận về mối quan hệ giữa lãnh đạo các doanh nghiệp và SCIC, ông Trần Văn Phúc, Chủ tịch HĐQT CTCP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong cho hay, phải có một sự đồng thuận, lấy lợi ích công ty làm cốt lõi mới có thể phát triển được. Bởi vậy, ranh giới giữa lợi ích chung cho doanh nghiệp và lợi ích riêng cho cá nhân khá mong manh.
Nguồn Đầu tư chứng khoán