SCIC sẽ mua lại vốn ngoài ngành của một số tập đoàn
Thông tin này được đại diện SCIC đưa ra tại thời điểm trước khi hội nghị Người đại diện vốn Nhà nước tại doanh nghiệp sẽ được tổ chức vào ngày 27/9 tới đây.
Nói thêm về hướng đi trong thời gian tới của SCIC, ông Đạo cho biết, bên cạnh việc hoàn thiện khuôn khổ thể chế, tổng công ty sẽ tăng cường thoái vốn tại các doanh nghiệp Nhà nước không cần nắm giữ.
Nguồn vốn của SCIC sau đó sẽ được tập trung đầu tư theo hướng dành tối thiểu 70% tổng mức đầu tư hàng năm vào các ngành, lĩnh vực trọng yếu theo chỉ đạo của Chính phủ.
Những thông tin trên sẽ được bàn bạc kỹ hơn tại cuộc họp sẽ được SCIC tổ chức vào ngày mai ở Nha Trang. Tại hội nghị năm nay, ngoài việc tổng kết, đánh giá công tác đại diện vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, đại biểu sẽ tập trung thảo luận một số nội dung liên quan đến công tác đại diện vốn Nhà nước cũng như nhiệm vụ, cơ chế hoạt động của SCIC.
Đây là vấn đề được ông Lại Văn Đạo, Tổng giám đốc SCIC nhấn mạnh và cho rằng việc thực hiện vai trò đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cổ phần hóa thông qua ủy quyền cho người đại diện là yếu tố quan trọng, quyết định hiệu quả quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
"Để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phối hợp với người đại diện, trong thời gian tới, SCIC sẽ tiếp tục kiện toàn hệ thống người đại diện nhằm tăng cường trách nhiệm và nâng cao chất lượng công tác đại diện vốn nhà nước," ông Đạo nói.
Cũng theo SCIC, tính đến tháng 9/2013, đơn vị này thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại 382 doanh nghiệp, với vốn Nhà nước theo giá trị sổ sách trên 14.000 tỷ đồng, giá thị trường ước đạt 71.000 tỷ đồng.
Hiện tại, hệ thống người đại diện vốn Nhà nước tại doanh nghiệp do SCIC quản lý có 470 người, trong đó có 387 người đại diện trực tiếp tham gia lãnh đạo, điều hành doanh nghiệp. Trong hơn 7 năm hoạt động, công tác phối hợp giữa SCIC và người đại diện được đánh giá là khá chặt chẽ, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư vốn, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Nguồn Vietnam+