Thứ Năm | 09/10/2014 15:09

SCIC muốn chủ động mua vốn ngoài ngành lĩnh vực bảo hiểm, ngân hàng

SCIC cho rằng việc mua lại các khoản đầu tư ngoài ngành với hạn chế giá trần và sau khi NHNN, hay ngân hàng TMCP Nhà nước từ chối thiếu hấp dẫn.
Quyết định 51/2014/QĐ - TTg về thoái vốn, bán cổ phần hóa và đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán đã đề cập tới vai trò của Tổng công ty Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) trong vai trò là người mua cuối cùng khi các Tập đoàn, Tổng Công ty Nhà nước (TĐ, TCT) thoái vốn khỏi lĩnh vực bảo hiểm, ngân hàng.

Theo ông Lê Song Lai, Phó Tổng Giám đốc SCIC, các TĐ, TCT mới là đơn vị chủ động trong việc tìm kiếm nhà đầu tư để nhận chuyển nhượng. SCIC chỉ xem xét tham gia mua lại cổ phần này theo phương thức thỏa thuận khi doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) không thành công trong việc thoái vốn dưới mệnh giá (10.000 đồng/cổ phần) hoặc dưới giá trị sổ sách.

Ông Lai cho biết, giá mua lại của SCIC có một số hạn chế là không được cao hơn giá khởi điểm khi bán cổ phần không thành công hoặc giá bán cổ phần thành công trong trường hợp bán thành công một phần

Nhưng đồng thời, SCIC hỗ trợ việc thoái vốn này trên cơ sở tự nguyện, không có nghĩa vụ mua lại cổ phần thoái vốn bằng mọi giá mà chủ động xem xét quyết định trong từng trường hợp cụ thể và quyết định trên cơ sở thuận mua vừa bán dựa trên nguyên tắc thị trường và chịu hạn chế giá trần như trên.

SCIC sẽ tổ chức theo dõi hạch toán riêng các khoản đầu tư theo hình thức này và được loại trừ khi đánh giá xếp hạng tín nhiệm.

Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 15 thì có 12 TĐ, TCT cung cấp thông tin và đề nghị SCIC mua lại các khoản đầu tư ngoài ngành vào lĩnh vực ngân hàng bảo hiểm.

Đối với việc SCIC xem xét tham gia mua cổ phần lần đầu (IPO) tại các doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa, đối tượng tham gia mua cổ phần khá rộng gồm công ty mẹ các TĐ, TCT, các công ty độc lập, các công ty con và không bao gồm các doanh nghiệp thuộc diện bàn giao về SCIC. Phương thức tham gia theo phương thức thỏa thuận.

Tuy nhiên, Phó Tổng giám đốc SCIC cho biết, dựa trên những quy định mới này, SCIC có một số hạn chế trong công tác thoái vốn hoặc tham gia vào tiến trình cổ phần các DNNN.

Đối với việc thoái vốn khỏi lĩnh vực ngân hàng của các TĐ, TCT Nhà nước, đầu mối là ngân hàng Nhà nước nên cơ hội để SCIC tham gia mua cổ phần tương đối hạn chế do chỉ được tham gia sau khi thoái vốn theo cơ chế hiện hành và thoái dưới giá trị sổ sách hoặc dưới mệnh giá mà không thành công với các khoản dưới 5% vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại. Do đó, các khoản thoái vốn khi tới tay SCIC thường kém hấp dẫn nên với tư cách là các nhà đầu tư thì việc xem xét mua lại là rất khó.

Theo quy định, thời gian xem xét và hoàn tất việc mua cổ phần chỉ trong tối đa 15 ngày kể từ khi nhận được thông báo của Ban chỉ đạo cổ phần hóa, theo ông Lai là quá ngắn để thẩm định phương án đầu tư.
SCIC muốn tham gia từ đầu khi các DNNN thoái vốn ngoài ngành khỏi ngân hàng

Tại hội thảo được phối hợp tổ chức bởi Cục tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), Ủy ban chứng khoán Nhà nước và Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) sáng nay, đại diện SCIC đã đưa ra một số kiến nghị.

Theo đó, SCIC kiến nghị Bộ Tài chính có hướng dẫn cụ thể hơn để SCIC xây dựng quy chế tham gia mua cổ phần lần đầu của doanh nghiệp cổ phần hóa và mua lại vốn đầu tư ngoài ngành của các doanh nghiệp Nhà nước trong lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm

NHNN có hướng dẫn để SCIC mua lại cổ phần của các TĐ, TCT tại các NHTM chứ không phải đợi tới sau khi NHNN không tiếp nhận vốn của các của chủ sở hữu hoặc các NHTM cổ phần Nhà nước từ chối mua cổ phần.

Thứ ba, đề nghị Chính phủ xem xét để SCIC tham gia tái cơ cấu đối với các doanh nghiệp thuộc diện cổ phần hóa các doanh nghiệp nhưng chưa có điều kiện IPO ngay để đảm bảo mục tiêu cổ phần hóa và tái cơ cấu DNNN.

Phương án SCIC đưa ra là thay vì sử dụng vốn của mình để mua một phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp thì Nhà nước chuyển một phần vốn sở hữu của mình sang cho SCIC để doanh nghiệp có thể chuyển đổi mô hình thành công ty cổ phần. Sau đó, SCIC sẽ thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đó.

Cuối cùng, cần xác định rõ việc tham gia của SCIC mua cổ phần lần đầu của các doanh nghiêp cổ phần hóa là quy định bắt buộc hay tùy nghi. Trong trường hợp là tùy nghi thì quy định rõ các tiêu chí xác định các đối tượng doanh nghiệp mà SCIC tham gia vào ban chỉ đạo cổ phần hóa hoặc mua cổ phần lần đầu để tập trung nguồn lực. Đồng thời, đưa ra tỷ lệ mua của SCIC để đảm bảo tỷ lệ sở hữu Nhà nước.

Theo số liệu từ Cục Tài chính Doanh nghiệp, giá trị đầu tư các lĩnh vực nhạy cảm của các TĐ, TCT đến cuối năm 2013 còn 21.417 tỷ đồng.Trong 5 lĩnh vực nhạy cảm cần thoái vốn ngoài ngành là chứng khoán, quỹ đầu tư, bảo hiểm, tài chính - ngân hàng và bất động sản, tính tới cuối năm 2013, tài chính - ngân hàng vẫn còn đọng nhiều vốn nhất với giá trị 15.242 tỷ đồng. Bảo hiểm đứng thứ 3 với giá trị 1.544 tỷ đồng.Về kế hoạch thoái vốn của các TĐ, TCT năm 2014 là 3.568 tỷ đồng, thấp hơn nhiều con số 16.367 tỷ đồng sẽ phải thực hiện trong năm 2015.Trong đó, giá trị phải thoái vốn cụ thể vớibảo hiểm là 211 tỷ đồng và tài chính, ngân hàng là 2.863 tỷ đồng.


Nguồn Theo DVO


Sự kiện