"SCIC được quyền mang tiền gửi ngân hàng lấy lãi"
Theo ông Tiến, SCIC có 2 chức năng chính là đầu tư vốn (công ty tài chính) và được Chính phủ giao cho quản lý quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp có quy mô khoảng 20.000 - 30.000 tỷ đồng.
Theo quy định thì SCIC được quyền mang tiền vốn thuộc quỹ này gửi ngân hàng hoặc Kho bạc Nhà nước, tiền lãi khi thu về được hoàn nhập cho quỹ sẽ được thể hiện trên sổ sách kế toán. SCIC không được chi tiêu khoản lãi này mà sẽ do Thủ tướng Chính phủ quyết định trong từng trường hợp cụ thể, chẳng hạn tái cấp vốn cho các doanh nghiệp nhà nước.
Về nguyên tắc, hàng năm SCIC phải công khai báo cáo, công bố số liệu liên quan đến quỹ, cả vốn và lãi. Báo cáo này cũng sẽ được kiểm toán.
Ông Tiến cho rằng, nếu trong trường hợp số tiền gửi ngân hàng nêu trên là tiền từ quỹ trên thì việc SCIC gửi ngân hàng là không sai. Bộ Tài chính đang yêu cầu tổng công ty có báo cáo rõ ràng về vấn đề này. Sau đó, SCIC sẽ có cuộc họp báo công bố về vấn đề này, việc sử dụng quỹ ra sao trong thời gian qua
Đại diện Bộ Tài chính cũng cho rằng, thời gian qua do thị trường không mấy thuận lợi nên SCIC cần cân nhắc trong việc đầu tư để không gây thất thoát vốn Nhà nước. Do đó, việc SCIC mang tiền gửi ngân hàng cũng là một phương án an toàn.
Trước đó, Tuổi Trẻ dẫn một báo cáo tại SCIC cho thấy, doanh thu tài chính năm 2012 của SCIC chịu ảnh hưởng trực tiếp của lãi suất tiền gửi ngân hàng giảm mạnh, còn 8%/năm so với mặt bằng chung năm 2011 là 14%/năm nên chỉ đạt 1.568 tỷ đồng.
Với số tiền lãi thu về này, ước tổng số tiền SCIC mang gửi tại các ngân hàng có thể lên tới 19.600 tỷ đồng, tăng mạnh so với năm 2011 (số tiền mang gửi ngân hàng ước trên 10.500 tỷ đồng, lãi thu về khoảng 1.479 tỷ đồng).
Hoạt động gửi tiền lấy lãi tiết kiệm, hoặc đem tiền ủy thác đầu tư tại các ngân hàng (thực chất cũng là một hình thức gửi tiền lấy lãi tiết kiệm) đã được SCIC thực hiện trong nhiều năm nay. Năm 2011, báo cáo tài chính của Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank) cho thấy SCIC đã gửi vào ngân hàng này 4.227 tỷ đồng theo hình thức ủy thác đầu tư không kỳ hạn và kỳ hạn 14 tuần, lãi suất 3-14%/năm.
Được biết, năm 2010, SCIC cũng gửi tiền vào Vietinbank theo hình thức trên với tổng số tiền lên đến 7.199 tỷ đồng, không kỳ hạn và kỳ hạn 6 tháng, lãi suất 2,4-11,2%/năm.
Việc SCIC, đơn vị được Nhà nước giao nhiệm vụ phân bổ, điều tiết vốn cho các doanh nghiệp hỗ trợ nền kinh tế phát triển nhưng lại mang hàng chục nghìn tỷ đồng gửi vào ngân hàng để lấy lãi khiến dư luận lo ngại về lợi ích và hiệu quả hoạt động của tổng công ty này.
Nguồn Dân Việt