Ngọc Thủy Thứ Ba | 21/11/2017 08:30

SCIC được đà thoái vốn

Sau thoái vốn thành công ngoài mong đợi ở Vinamilk (VNM), SCIC tiếp tục triển khai những lần thoái vốn kế tiếp.

Sau thoái vốn thành công ngoài mong đợi ở Vinamilk (VNM), Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) tiếp tục triển khai những lần thoái vốn kế tiếp.

Kế hoạch đã sẵn sàng

Năm 2017, SCIC lên kế hoạch thoái vốn tại 85 doanh nghiệp. Nhưng tính đến nay, SCIC mới chỉ hoàn thành thoái vốn tại 20 doanh nghiệp nhà nước. Vì thế, áp lực thoái vốn trong quý IV/2017 là khá lớn và SCIC đang đặt mục tiêu thoái vốn khỏi những doanh nghiệp thuộc nhóm blue-chip như Vinaconex (VCG), Nhựa Tiền Phong (NTP), Nhựa Bình Minh (BMP), Domesco (DMC).

Để chuẩn bị cho thoái vốn diễn ra suôn sẻ, trong tuần qua, SCIC đã tiến hành các buổi roadshow, giới thiệu cơ hội đầu tư đến giới đầu tư trong và ngoài nước. Hiện tại, SCIC đang sở hữu 21,79% cổ phần VCG, 29,51% BMP, 37,1% NTP và 34,71% DMC. Theo lộ trình, SCIC sẽ thoái vốn khỏi những công ty này ngay trong tháng 12.2017.

SCIC duoc da thoai von
 

Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) đánh giá, những công ty mà SCIC thoái vốn trong đợt này đều là các cổ phiếu có vốn hóa lớn, có vị thế trong ngành, khối lượng thoái vốn lớn… Vì thế, giới nhà đầu tư tổ chức lẫn cá nhân đều hết sức quan tâm.

Thực tế, cả BMP, NTP, DMC đều đang kinh doanh trong những lĩnh vực thu hút đầu tư. Như DMC hoạt động trong lĩnh vực dược phẩm nên từ lâu, công ty này là đích ngắm của các tổ chức ngoại. Trong đó, CFR International SPA - công ty con của hãng Abbott - đã âm thầm gia tăng sở hữu và hiện nắm hơn 51% vốn tại DMC. Nhưng tính toán của CFR là muốn gia tăng hơn nữa tỉ lệ sở hữu tại DMC. Vì thế, SCIC dễ thoái vốn thành công hơn cả ở DMC vì đã có sẵn đối tác muốn mua.

Tương tự, BMP và NTP đang là bộ đôi ngành nhựa được chú ý nhất. Những năm qua, BMP là doanh nghiệp luôn trong tình trạng kín room, nhất là khi Nawaplastic Industries, một thành viên của Nawaplastic - công ty chuyên sản xuất ống nhựa PVC tại Thái Lan - đầu tư rót vốn, trở thành cổ đông lớn nắm giữ 20,4% cổ phần tại BMP. Đại diện BMP từng tiết lộ, Nawaplastic Industries có mong muốn tăng tỉ lệ sở hữu tại BMP thông qua việc mua cổ phiếu trong đợt thoái vốn của SCIC.

Với NTP, khả năng SCIC thoái vốn thành công khó dự đoán hơn. Vì Nawaplastic Industries đã thoái toàn bộ cổ phiếu NTP sau hơn 5 năm đầu tư. Thay vào đó, một công ty khác là Sekisui Chemical (Nhật) đã nhảy vào và hiện sở hữu 15% vốn NTP. Sekisui từng bày tỏ mong muốn tăng sở hữu tại NTP.Nhưng trở ngại ở chỗ, NTP cần phải nới room thêm nữa thì mới có cơ hội cho Sekisui tham gia đợt thoái vốn từ SCIC. Nếu Sekisui là bên mua, đơn vị này sẽ nắm 52,1% cổ phần của NTP.

Dấu hỏi lớn nhất hiện đặt ra cho khoản thoái vốn của SCIC tại VCG. Bởi lâu nay, ngành xây dựng do các công ty tư nhân làm chủ sân chơi. Còn ở mảng đầu tư, VCG vẫn chưa đạt được thành tựu gì nổi bật.

Mặc dù vậy, với những thành công trong đợt thoái vốn ở VNM, giới đầu tư vẫn lạc quan về các đợt thoái vốn kế tiếp của SCIC. Giá các cổ phiếu trong diện SCIC thoái vốn đều đồng loạt tăng mạnh. Đơn cử, giá BMP đã tăng duy trì sắc xanh là chủ đạo và đã tăng gần 20% kể từ tháng 11 đến nay.

Những chuyển đổi

SCIC đã có những cải cách đáng kể trong phương thức thoái vốn của mình. Cụ thể, SCIC quan tâm đến quá trình đấu thầu để tăng tính minh bạch thay vì chỉ bán riêng phần lớn cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược như trước kia. Để thực hiện được việc này, SCIC đã nhờ đến đơn vị tư vấn, triển khai tổ chức roadshow trong nước và quốc tế …

Theo quan sát của SSI, SCIC tổ chức roadshow không chỉ nhằm mục đích quảng bá mà còn để tìm hiểu nhu cầu thực tế của giới đầu tư. Từ đây, SCIC có thể ước lượng mức độ tiềm năng của đợt thoái vốn, tham khảo cung cầu thị trường, thêm cơ sở để xác định mức giá khởi điểm phù hợp.

SCIC cũng chọn cách giao dịch đối ứng trực tiếp qua sàn chứng khoán nếu giá thắng thầu nằm trong khoảng giá đưa ra. SCIC cũng đã có những quyết định đơn giản hóa về mặt quy trình, thủ tục. Chẳng hạn, nhà đầu tư tham gia mua cổ phiếu từ đợt thoái vốn của SCIC có thể được phép nộp ID giao dịch chậm (tối đa 15 ngày sau ngày thanh toán), có thể đặt cọc bằng USD, giao dịch ký quỹ ở tất cả các ngân hàng được cấp thẩm quyền. Điều này khác với trước đây yêu cầu ký quỹ bằng tiền đồng. Đặc biệt, tiền đặt cọc được tính là một phần của thanh toán nên nhà đầu tư chỉ cần chuẩn bị phần tiền còn lại để trả nốt giá trị giao dịch.

Trong tương lai, SCIC còn muốn sử dụng phương thức dựng sổ trong thoái vốn cổ phần. Nhưng SCIC phải đợi Chính phủ chỉnh sửa lại nghị định liên quan. Quá trình này cần thêm một khoảng thời gian. Trong khi chờ đợi, SCIC đang cân nhắc và xin Chính phủ cho phép thoái vốn bằng cách bán cổ phần cả lô để có giá tốt hơn từ thị trường. Bởi nhiều trường hợp, các cổ đông lớn chỉ quan tâm đến việc mua một phần vốn của SCIC để tiến đến nắm giữ cổ phần chi phối. Phần còn lại trở thành khoản khó bán, nhất là bán với giá tốt.

Trên thực tế, SCIC không đặt mục tiêu sẽ đạt 100% kế hoạch thoái vốn. Bởi trong danh mục 85 công ty cần thoái vốn năm nay, vẫn có khoảng 20 đơn vị ít được nhà đầu tư chú ý. Điều an ủi cho những ai quan tâm đến lộ trình thoái vốn của SCIC là nhóm này có quy mô nhỏ, chỉ chiếm 5% tổng giá trị cần thoái vốn của SCIC. Mục tiêu của SCIC là dồn lực, tập trung thoái vốn sao cho trọn vẹn, thành công nhất ở các công ty có vốn hóa lớn và SCIC đang nắm giữ cổ phần với số lượng cao.