SCG - “Gã khổng lồ” Thái đã thâu tóm bao nhiêu doanh nghiệp Việt?
Thông tin Tập đoàn xi măng Siam (SCG) hoàn tất thương vụ mua lại 80% cổ phần của CTCP Bao bì nhựa Tín Thành (Batico) với giá hơn 44 triệu USD khiến nhiều nhà đầu tư không khỏi bất ngờ. Tuy nhiên, SCG còn là cái tên đứng sau hàng loạt các vụ thâu tóm lớn tại Việt Nam như Prime Group, Nhựa Tiên Phong hay Nhựa Bình Minh.
SCG là ai?
Được Nhà vua Rama VI sáng lập năm 1913, Tập đoàn SCG có nhiệm vụ ban đầu nhằm hỗ trợ phát triển kết cấu hạ tầng của Thái Lan. Trải qua hơn một thế kỷ phát triển, SCG trở thành một trong những tập đoàn lớn trong khối ASEAN. Trong năm 2011, SGC được xếp hạng là công ty lớn thứ 2 tại Thái Lan và thứ 620 trên toàn thế giới bởi Forbes.
Theo một báo cáo từ SCG, tính tới ngày 30/6/2015, tổng tài sản của tập đoàn này đã đạt 14,830 tỷ USD, trong đó tổng tài sản của SCG tại khu vực Đông Nam Á (trừ Thái Lan) đạt 2,841 tỷ USD, chiếm 19% tổng giá trị tài sản hợp nhất của SCG.
Tập đoàn này hoạt động đa ngành, tập trung vào 3 lĩnh vực chính là hóa dầu, bao bì và xi măng - vật liệu xây dựng. Tính đến thời điểm hiện tại, SCG đã có hơn 200 công ty con cùng hơn 51.000 nhân viên.
Thâu tóm hàng loạt doanh nghiệp Việt
SCG bắt đầu mở rộng hoạt động sang Việt Nam như một quốc gia chiến lược từ năm 1992. Mặc dù mới thâm nhập vào thị trường Việt được 23 năm, tập đoàn này cũng đã có trong tay hơn 20 thương vụ mua bán, sáp nhập, trong đó, có những vụ mua bán với giá trị lên tới cả vài trăm triệu USD. Một trong những thương vụ lớn nhất phải kế đến vụ thâu tóm Prime Group.
Theo đó, cuối tháng 12/2012, SCG đã ký thỏa thuận mua 85% cổ phần CTCP Prime Group với giá khoảng 240 triệu USD (gần 5.000 tỷ đồng ). Với 6 nhà máy sản xuất gạch với công suất 75 triệu m2 mỗi năm, Prime Group là nhà sản xuất gạch lát sàn lớn thứ 5 thế giới và là nhà sản xuất vật liệu xây dựng hàng đầu tại Việt Nam (chiếm 20% thị phần). Prime Group có mạng lưới phân phối mạnh, cơ cấu kinh doanh và chiến lược hoạt động vững chắc.
Việc mua lại Prime Group không chỉ giúp SCG tăng cường sự hiện diện tại Việt Nam, mà còn giúp tập đoàn này trở thành nhà sản xuất gạch lát sàn lớn nhất thế giới - với sản lượng kỷ lục là 225 triệu m2/năm.
Trong khi đó, thông qua một công ty con có tên Nawaplastic Industries (Saraburi) Co., Ltd, SCG đã lần lượt tiến hành mua 20,4% cổ phần của CTCP Nhựa Bình Minh (BMP) và 23,84% cổ phần của CTCP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (NTP). BMP và NTP hiện đang chiếm đến 50% thị trường ống nhựa xây dựng tại Việt Nam, do vậy, thâu tóm hai doanh nghiệp này, SCG sẽ dễ dàng đạt mục tiêu thống trị ngành nhựa xây dựng tại Việt Nam.
Mới đây nhất, thông qua công ty con là Công ty nhựa TC Flexible Packaging (TCFP), SCG đã hoàn tất thương vụ mua lại 80% cổ phần của CTCP Bao bì nhựa Tín Thành (Batico) với giá 1,5 tỷ baht (khoảng 44,4 triệu USD).
Batico thuộc top 5 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm bao bì với công suất 230 triệu m2/năm. Với việc thâu tóm doanh nghiệp này, SCG đã nâng số lượng nhà mày sản xuất bao bì nhựa mềm phức hợp lên con số 4, trong đó có hai nhà máy tại Việt Nam. Theo ông Kan Trakulhoon – Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành, SCG tiếp tục mở rộng sản xuất, kinh doanh bao bì tại Việt Nam trong nhiều năm nay do nhận thấy tiềm năng của thị trường này với tốc độ tăng trưởng ngành này ở Việt Nam dự báo đạt khoảng 6%.
Ngoài 4 doanh nghiệp nêu trên, hiện SCG còn nắm cổ phần tại 18 doanh nghiệp khác tại Việt Nam như Công ty TNHH Liên doanh Việt – Thái Plastchem, Công ty TNHH Nhựa và Hóa chất TPC Vina, Công ty TNHH Chemtech, CTCP TNHH Vật liệu nhựa Minh Thái, Công ty TNHH Giấy Kraft Vina, Công ty TNHH Công nghiệp Tân Á, Công ty TNHH Bao bì AP (Hà Nội), Công ty TNHH Bao bì Alcamax (Việt Nam), Công ty TNHH Sản xuất Bao bì Packamex (Việt Nam),...
Sẽ còn tiếp tục thâu tóm?
Cuối năm 2013, lãnh đạo SCG đã duyệt bản kế hoạch đầu tư cho 5 năm tiếp theo khoảng từ 6-8 tỷ USD cho các nước trong khu vực, trong đó, một phần lớn sẽ được rót vào Việt Nam.
Trong một bài phỏng vấn, ông Kan Trakulhoon từng khẳng định, chính sách ưu tiên đầu tư của SCG vào Việt Nam sẽ là mua lại vì chiến lược này giúp công ty đến với thị trường nhanh hơn.
Như vậy, trong một vài năm tới, có thể thị trường sẽ còn chứng kiến thêm nhiều doanh nghiệp Việt hoạt động trong các lĩnh vực như xi măng - vật liệu xây dựng, giấy và hóa chất bị thâu tóm bởi "gã khổng lồ" này.
Nguồn Bizlive