SCB dự kiến huy động hơn 700 triệu USD từ nhà đầu tư nước ngoài
Ngân hàng Việt Nam đầu tiên được Chính phủ cho phép bán cổ phần đa số cho nước ngoài có thể thu hút một khoản đầu tư trị giá ít nhất 700 triệu USD.
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) cho biết họ đang đàm phán thu hút đầu tư bằng cách bán cổ phần chi phối cho một nhà đầu tư nước ngoài. Vốn thu được sẽ giúp công ty cải thiện các sản phẩm tài chính và đẩy nhanh việc giải quyết nợ xấu.
Theo đó, SCB dự kiến bán hơn một nửa cổ phần của ngân hàng bằng mệnh giá thông qua việc phát hành cổ phiếu mới, Tổng Giám đốc Võ Tấn Hoàng Văn cho biết.
"Chúng tôi đang tìm kiếm một đối tác không chỉ muốn góp vốn vào ngân hàng mà còn có cùng tầm nhìn với chúng tôi tại thị trường Việt Nam", ông Văn nói trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg tại trụ sở chính của ngân hàng tại TPHCM. Ông Văn cũng mong muốn nhà đầu tư phải góp phần giúp phát triển ngân hàng: "Quan trọng hơn, họ cần giúp khách hàng của chúng tôi hoàn thành các dự án bất động sản để chúng tôi có thể rút ngắn thời gian giải quyết vấn đề nợ xấu."
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cho biết trong một cuộc phỏng vấn của Bloomberg hồi tháng 1 rằng chính phủ Việt Nam dự định tăng trần sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đối với các ngân hàng (hiện ở mức 30%) để thúc đẩy việc cải tổ hệ thống ngân hàng của Việt Nam. Ông đã lấy ví dụ về Ngân hàng Đại dương (Ocean Bank), vốn được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam mua lại với giá 0 đồng năm 2015, là một ngân hàng yếu kém mà chính phủ sẵn sàng bán ngay cho nhà đầu tư nước ngoài.
6 nhà đầu tư
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn đã có cuộc thương thảo với sáu nhà đầu tư, bao gồm các ngân hàng, quỹ cổ phần và công ty bảo hiểm từ Na Uy, Indonesia, Đài Loan và Trung Quốc, ông Văn cho biết. Đầu năm nay, một quỹ đầu tư nước ngoài không được tiết lộ danh tính đã đề nghị mua 15% cổ phần, cũng theo lời ông Văn. Ngân hàng này cũng dự kiến tăng cường đàm phán với hai nhà đầu tư tiềm năng từ Trung Quốc và Indonesia.
SCB sẽ đệ trình kế hoạch bán cổ phần của mình cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phê chuẩn vào đầu năm 2018, và dự kiến sẽ chốt thương vụ vào giữa năm 2018, ông Văn cho biết. Ngân hàng cũng dự định thuê một ngân hàng quốc tế làm chuyên gia tư vấn. Ông Văn nói thêm rằng thương vụ cần phải có sự phê duyệt của Thủ tướng.
Ông Văn cho biết việc bán cổ phần này cũng có thể ảnh hưởng đến kế hoạch niêm yết khoảng thời gian sau năm 2019 của SCB, khi quá trình tái cấu trúc ngân hàng hoàn tất.
SCB được thành lập sau vụ sáp nhập năm 2012 của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đệ nhất và Ngân hàng Thương mại cổ phần Tín Nghĩa. SCB đã giảm tỷ lệ nợ xấu xuống 0,68% vào cuối năm 2016 từ mức 7,25% vào năm 2012, theo như công bố của Ngân hàng này tại Đại hội cổ đông vào ngày 18/4 vừa qua. Ngân hàng cũng đặt mục tiêu thu hồi 1,5 nghìn tỷ đồng nợ quá hạn trong năm nay.
Cải tổ ngành ngân hàng
Chính phủ đã thành lập Công ty Quản lý tài sản Việt Nam (VAMC) vào năm 2013 để mua lại các khoản nợ xấu của các ngân hàng, điều này giúp giảm tỷ lệ nợ xấu xuống của hệ thống ngân hàng xuống 2,46% tổng dư nợ vào cuối năm 2016 so với mức 7,8% vào cuối năm 2012. Theo số liệu của VAMC, cơ quan này đã thu hồi được 50,2 nghìn tỷ đồng (2,2 tỷ USD) nợ xấu, tương đương gần 18% tổng nợ xấu.
Ông Alan Pham, kinh tế gia trưởng của một trong những nhà quản lý quỹ lớn nhất tại Việt Nam là VinaCapital Group cho biết: "Đây là một bước đi quan trọng để cải cách hệ thống ngân hàng. SCB có thể nhận được một khoản vốn để cải thiện vấn đề nợ xấu của mình. Ngoài ra, các nhà đầu tư còn có thể cung cấp cho SCB công nghệ tiên tiến, phương pháp quản lý rủi ro, khả năng giao dịch phái sinh và quản lý ngoại hối. "
‘Rào cản’
Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều rào cản từ các quy định hiện hành, có thể cản trở các nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần ngân hàng tại Việt Nam.
Theo luật Việt Nam, các ngân hàng, các công ty tài chính và công ty cho thuê tài chính nước ngoài muốn mua lại 10% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng tại Việt Nam phải có tổng tài sản trị giá ít nhất 10 tỷ USD. Các nhà đầu tư nước ngoài khác phải có vốn điều lệ ít nhất là 1 tỷ USD trong năm trước khi nộp đơn xin mua cổ phần, theo nghị định năm 2014.
Các ngân hàng quốc tế đang giảm đầu tư vào các ngân hàng tại các nước mới nổi do các quy định về quản lý vốn mới theo tiêu chuẩn Basel III, ông Văn nói. Yêu cầu về tổng tài sản và vốn đăng ký của Việt Nam là "rào cản đối với các ngân hàng nước ngoài nước ngoài muốn đầu tư vào các ngân hàng Việt Nam", ông nói thêm.
Bá Ước
Nguồn Bloomberg