SBT hoàn thành kế hoạch doanh thu và lợi nhuận niên độ 2017-2018
Các chỉ tiêu trên báo cáo thu nhập
Theo báo cáo, niên độ 2017 - 2018 vẫn còn nằm trong xu hướng giảm của ngành Đường. Tuy nhiên, với khả năng hoạch định, dự báo và thực thi chiến lược tốt cùng với sức mạnh cộng hưởng từ thương vụ M&A với BHS khi đẩy mạnh hoạt động sản xuất, tận dụng tốt hệ thống bán lẻ lớn từ BHS để mở rộng thị trường trên tất cả các Kênh tiêu thụ; kết quả hoạt động kinh doanh lũy kế niên độ 2017 - 2018 của SBT đã hoàn thành tốt hơn mục tiêu mà Đại hội đồng cổ đông đề ra, tiếp tục khẳng định vị thế số 1 của ngành đường Việt Nam.
Theo đó, doanh thu thuần lũy kế niên độ 2017 - 2018 đạt 10.364 tỷ đồng, tăng mạnh 131% so với cùng kỳ và đạt 105% kế hoạch do tổng sản lượng tiêu thụ tăng trưởng mạnh 131% so với năm ngoái, cùng với việc ghi nhận doanh thu gia tăng của các sản phẩm cạnh đường - sau đường. Sản lượng đường tiêu thụ cả niên độ đã ghi nhận 571 ngàn tấn, đạt 109% so với kế hoạch chỉ là 515 ngàn tấn, trong đó nổi bật nhất là kênh tiêu dùng - B2C với sản lượng tiêu thụ tăng hơn 2 lần, từ 30,2 ngàn tấn lên tới hơn 63,5 ngàn tấn, tương đương doanh thu tăng từ 473 tỷ lên 1.131 tỷ đồng, tăng mạnh 139%, chiếm 11% doanh thu thuần.
SBT đánh giá B2C vẫn là một kênh tiêu thụ còn rất nhiều tiềm năng vì vậy sẽ tiếp tục chú trọng khai thác mở rộng trong niên độ 2018 - 2019. Bên cạnh kênh công nghiệp - B2B (công nghiệp lớn - MNC và tiểu thủ công nghiệp - SME) chiếm 47% doanh thu thuần, tăng trưởng 153%; kênh thương mại và xuất khẩu cũng đóng góp doanh thu lần lượt là 17% và 10%, tăng trưởng 97% và 70% so với niên độ 2016 - 2017.
Bên cạnh đó, cơ cấu sản phẩm của SBT đa dạng và hình thành chuỗi khép kín giá trị đến từ đường và cạnh đường - sau đường. Đối với đường, sản phẩm của Công ty bao gồm đường tinh luyện cao cấp; đường RS vàng (đường Organic, đường vàng khoáng chất và tự nhiên), đường lỏng Syrup và Syrup Flavour, đường thỏi, đường que, đường phèn RE, Đường ăn kiêng Isomalt. Mở rộng sang các loại đường cao cấp phục vụ cho những phân khúc khách hàng khó tính đang là hướng đi mới của SBT để tiếp tục chiếm lĩnh thị phần khách hàng trung lưu trở lên và nâng tầm thương hiệu SBT.
Ngoài ra, để tối ưu hóa quy trình sản xuất và lợi nhuận đồng thời tạo ra những sản phẩm giá trị gia tăng cho xã hội, Công ty cũng đã chú trọng phát triển các sản phẩm Cạnh đường - sau đường như mật rỉ, điện thương phẩm, nước đóng chai Miaqua, phân vi sinh hữu cơ và bã mía.
Sản phẩm đường đóng góp 85% doanh thu thuần và vẫn là mặt hàng chính có tỷ trọng cao nhất, ghi nhận tăng trưởng 126% so với cùng kỳ. Ngoài ra, doanh thu đến từ tất cả các sản phẩm khác cũng đều ghi nhận sự tăng trưởng tốt. Cụ thể, doanh thu từ mật rỉ chiếm 3%, tăng 68% so với cùng kỳ; doanh thu từ điện chiếm 1,5%, tăng 57% so với cùng kỳ; doanh thu từ Phân bón chiếm 2%, tăng 80%; doanh thu khác chiếm 5%, tăng 160%.
Ngoài ra, trong niên độ này, Công ty còn ghi nhận thêm doanh thu đến từ sản phẩm mới là bán những sản phẩm từ cao su, doanh số từ mảng này khá tốt khi chiếm tới 3,5%. Lợi nhuận trước thuế lũy kế đạt hơn 682 tỷ đồng, tăng 86% so với năm trước và vượt kế hoạch đặt ra là 680 tỷ đồng, riêng quý IV, tăng trưởng vượt bậc 138% so với cùng kỳ đạt 196 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế quý IV đạt 150 tỷ đồng, tăng trưởng 86% so với cùng kỳ, làm bước đệm cho lợi nhuận sau thuế lũy kế cả năm đạt 547 tỷ đồng, tăng 61% so với năm trước.
Các chỉ tiêu trên bảng cân đối kế toán
Sau khi hoàn thành việc M&A với BHS, tổng tài sản của SBT đã ghi nhận sự tăng trưởng mạnh lên tới 130% do tác động cộng hưởng về quy mô và hoạt động. Tại thời điểm 30/6/2018, tổng tài sản hơn 17.972 tỷ đồng, so với cùng kỳ 2017 chỉ là 7.806 tỷ đồng. Hàng tồn kho tăng 99% so với cùng kỳ, đạt 3.899 tỷ đồng. Tuy hàng tồn kho ghi nhận tăng về giá trị tuyệt đối nhưng tỷ trọng HTK/TTS đã ghi nhận giảm từ 25% tại thời điểm 30/6/2017 xuống còn 22% tại thời điểm 30/6/2018. Ngoài ra, tỷ trọng của thành phẩm và hàng hóa cũng giảm mạnh từ 86% xuống chỉ còn 68%, trong khi đó Nguyên vật liệu lại tăng từ 12% lên 22%, đây được xem là một điểm sáng trong bức tranh tài chính khi Công ty đã kiểm soát tốt hơn sản lượng hàng tồn kho.
Trong năm vừa qua, với tình hình thị trường đường thô trên thế giới giảm, Công ty đã mạnh dạn nhập nguyên liệu nhằm chủ động nguồn đường giá rẻ phục vụ cho chiến lược mở rộng thị trường trong thời gian tới. Như vậy, với việc tiết giảm chi phí giá thành, SBT đang có lượng thành phẩm giá thấp, ngoài ra, với nguồn nguyên liệu giá rẻ, đây sẽ là những lợi thế cạnh tranh trong thời gian sắp tới. Vốn chủ sở hữu đạt 6.287 tỷ đồng, tăng 102% so với thời điểm 30/6/2017, chủ yếu là nhờ hoạt động sáp nhập BHS trong đó vốn điều lệ là 5.570 tỷ đồng, tăng 120%.
Các chỉ tiêu tài chính cơ bản của SBT vẫn được cân đối ở mức hợp lý trong đó các chỉ tiêu về Khả năng thanh toán vẫn đảm bảo, tình hình thanh toán nợ được kiểm soát và trong mức an toàn khi chỉ số thanh toán hiện hành luôn cao hơn 1 lần, đạt 1,1 lần. Về năng lực hoạt động, tận dụng lợi thế vốn có từ mạng lưới kinh doanh của BHS, Công ty đã cải thiện hệ số vòng quay khoản phải thu giảm 34%, từ 0,56 lần xuống còn 0,37 lần cũng như giảm nhẹ vòng quay Hàng tồn kho 5%. Về khả năng sinh lời, nhìn chung các chỉ số trong quý IV/2018 của SBT đều có sự tăng trưởng tốt so với cùng kỳ, cụ thể Biên lợi nhuận gộp tăng 5% đạt 15%, biên lợi nhuận ròng tăng 10% đạt 7%.