SBT đặt mục tiêu 1,1 triệu tấn đường
Chiều 21/3, tại TPHCM, Công ty Cổ phần Thành Thành Công- Biên Hòa (TTC Sugar, mã SBT) đã tổ chức Hội nghị các nhà phân tích. Khách mời là những chuyên gia phân tích đến từ các Công ty chứng khoán và Quỹ đầu tư. Mục đích của Hội nghị là để TTC Sugar chia sẻ thông tin về bức tranh ngành mía đường và cập nhật thêm tình hình hoạt động cũng như chiến lược kinh doanh của TTC-Sugar trong thời gian tới.
Trong Hội nghị, bà Trần Quế Trang, Phó Tổng giám đốc TTC-Sugar thẳng thắn cho biết, lũy kế quý III/2017-2018 (đến tháng 3/2018), SBT còn tồn kho khá nhiều, 150.000 tấn. Nhưng con số này đã giảm so với mức 205.000 tấn của cùng kỳ năm trước. Bà Trang lý giải thêm, trong ngành mía đường, tồn kho là bình thường. Chỉ khác là trước đây, người trữ đường là các đại lý, nhà phân phối.
Họ phải đặt hàng trước để có được giá đường ổn định. Còn bây giờ, khi nguồn cung đường dồi dào và việc mua bán đường dễ dàng thuận lợi hơn, các đại lý phân phối giảm nhu cầu dự trữ đường. Vì thế, các đơn vị sản xuất như TTC Sugar phải gia tăng tồn kho để đảm bảo ổn định nguồn hàng bán ra. Đây là lý do vì sao hiện nay, tình trạng tồn kho đường tăng cao hơn những năm trước, không riêng ở SBT mà trên toàn ngành.
Về kết quả kinh doanh, phía TTC Sugar chia sẻ, sản lượng tiêu thụ đường lũy kế đến quý III/2017-2018 là 452.148 tấn, tăng 144% so với cùng kỳ, giúp hoàn thành 73% kế hoạch niên độ 2017-2018. Trong đó, SBT bán đường nhiều nhất qua kênh công nghiệp (B2B), với hơn 326.000 tấn, chiếm 72% lượng đường tiêu thụ và tăng hơn 2,2 lần so với cùng kỳ. Kế đó là xuất khẩu (trên 66.300 tấn) và kênh tiêu dùng (B2C, hơn 59.400 tấn). Tính chung, TTC-Sugar đã hoàn thành hơn 70% kế hoạch năm cho các chỉ tiêu. Riêng mục tiêu bán hàng qua kênh thương mại đã gần như về đích kế hoạch.
Xa hơn đến năm 2020, TTC-Sugar đề ra kế hoạch sẽ đạt sản lượng tiêu thụ trên 1,1 triệu tấn đường, tức đạt tăng trưởng 37%/năm. Với con số này, ,SBT sẽ chiếm 50%thị phần ngành đường cả nước. Đường của TTC-Sugar sẽ vẫn được bán chủ yếu qua B2B. Kế đó là kênh thương mại, tiêu dùng và xuất khẩu. Mục tiêu doanh thu của TTC-Sugar đến năm 2020 là 16.526 tỉ đồng, cao gấp đôi doanh thu trong niên độ 2016-2017.
Để đạt được các mục tiêu này, từ năm 2014, TTC-Sugar đã tiến hành M&A và hoàn tất các thương vụ sáp nhập (SEC vào TTCS, NHS vào BHS, BHS vào TTCS). Với các hoạt động này, quy mô của TTC-Sugar đã tăng lên đáng kể. Tính đến cuối năm 2017, vốn điều lệ của TTC-Sugar đã đạt 5570 tỉ đồng, tổng tài sản đạt 17.853 tỉ đồng còn vốn chủ sở hữu đạt 7135 tỉ đồng. TTC-Sugar cũng đã phát triển được hơn 60.534 ha diện tích mía, xây 9 nhà máy với công suất hơn 48.600 tấn mía/ngày, đạt khả năng sản xuất 614.450 tấn đường.
Trong hoạt động phân phối, TTC-Sugar đã tổ chức được 800 khách hàng và đang tiếp cận 5000 khách hàng mới. TTC-Sugar cũng đã xuất khẩu sang nhiều thị trường như Trung Quốc, Srilanka, Trung Đông, Châu Phi.. Mạng lưới bán hàng của TTC-Sugar phủ kín 200.000 điểm bán lẻ khắp cả nước (kênh GT),có mặt ở các siêu thị (kênh MT, gồm CoopMart, Metro, BigC, Vinmart, Aeon, Lotte, Emart.. ) và cửa hàng tiện lợi
Thời gian tới, TTC-Sugar vẫn sẽ tiếp tục bán hàng ở các kênh có lợi thế. Nhưng TTC-Sugar sẽ tấn công thêm thị trường miền Bắc và Tây Nam Bộ. Ưu thế của TTC-Sugar là tổ chức được các kho lưu trữ và Công ty có kế hoạch sẽ đầu tư thêm vào đây.
TTC-Sugar cũng đang tìm cách rút ngắn khoảng cách giữa giá đường của TTC-Sugar với đường của Thái Lan. Tập đoàn xem đây là cách thức để cạnh tranh tự do trong một thị trường Đông Nam Á với 600 triệu dân và nhiều khả năng không còn bảo hộ thương mại dưới tác động của Hiệp định ATIGA.
Biện pháp cụ thể, theo lãnh đạo TTC-Sugar là Công ty đầu tư linh hoạt, giảm chi phí nguyên liệu mía tiệm cận với Thái Lan (đang 45USD/tấn) cũng như tăng năng suất trồng mía từ 68 tấn/ha lên 78 tấn/ha. Ngoài ra, hãng cũng sẽ nghiên cứu, đưa ra thị trường các sản phẩm đa dạng, cho giá trị gia tăng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường (như bả mía, phân vi sinh..)