SBS trình cổ đông phương án tái cấu trúc mới
Vấn đề được cổ đông quan tâm nhất hiện nay là SBS có đưa ra được phương án tái cấu trúc hợp lý hay không để giúp công ty tránh bị rút giấy phép hoạt động và thực hiện thủ tục phá sản bắt buộc, các cổ đông sẽ mất toàn bộ số tiền đầu tư.
Vốn chủ sở hữu của SBS âm 251,1 tỷ đồng. năm 2012 vượt vốn điều lệ theo báo cáo kiểm toán hợp nhất.Sở giao dịch chứng khoán TPHCM hôm 23/2 đã có thông báo hủy niêm yết với cổ phiếu SBS từ 25/3 tới. |
Trước đó, trong tháng 9/2012, SBS cũng đã một lần xin ý kiến cổ đông bằng văn bản thông qua đề án tái cấu trúc công ty, dự kiến chuyển đổi 800 tỷ đồng trái phiếu để tăng vốn điều lệ lên 2.066 tỷ đồng, sau đó giảm vốn xuống 543 tỷ đồng qua việc gộp cổ phiếu tỷ lệ 3,8:1 và phát hành tăng vốn lên 800 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đề án tái cấu trúc này đã không được đại hội cổ đông thông qua.
Do vậy, trong lần đại hội cổ đông thường niên này, SBS đã đưa ra phương án tái cấu trúc mới, toàn diện hơn, tập trung vào 3 công việc chính gồm tái cấu trúc nguồn vốn tự có; tái cấu trúc về cơ cấu tổ chức và tái cấu trúc về hoạt động kinh doanh.
Tái cấu trúc nguồn vốn tự có
SBS đưa ra phương án dùng vốn tự có để xóa lỗ lũy kế và khôi phục vốn điều lệ, đảm bảo tỷ lệ vốn khả dụng ở mức tối thiểu (180%).
Phương án này sẽ được SBS thực hiện bằng cách chuyển đổi 500 tỷ đồng trái phiếu (trên tổng số 800 tỷ đồng hiện có) thành cổ phần với tỷ lệ 1:1. Giải thể SBS Campuchia để thu hồi vốn, với giá trị thu hồi khoảng 43,4 tỷ đồng.
Tại thời điểm 31/12/2012, vốn điều lệ của SBS là 1.266,6 tỷ đồng, thặng dư vốn cổ phần là hơn 250 tỷ đồng. Lỗ lũy kế đạt 1.767,7 tỷ đồng và vốn tự có âm 251 tỷ đồng.
Sau khi chuyển đổi 500 tỷ trái phiếu thành vốn cổ phần tỷ lệ 1:1, SBS dự kiến vốn điều lệ tăng lên 1.766,6 tỷ đồng, lỗ lũy kế 1.767,7 tỷ đồng nhưng vốn tự có trở về mức dương 248,9 tỷ đồng.
Bước thứ hai, SBS tiến hành gộp 7 cổ phiếu hiện tại thành 1 cổ phiếu nhằm giảm vốn điều lệ để xóa lỗ lũy kế. Cụ thể, vốn điều lệ mới sau khi tiến hành gộp cổ phiếu tỷ lệ 7:1 là 252,37 tỷ đồng, lỗ lũy kế sẽ giảm còn 3,47 tỷ đồng.
Bước cuối cùng của việc tái cấu trúc vốn tự có là phát hành cổ phiếu tăng vốn theo tỷ lệ 1:1,5, vốn điều lệ mới sau khi phát hành là 630,9 tỷ đồng.
Tái cấu trúc về cơ cấu tổ chức
Cụ thể, các bộ phận cơ bản trong bộ máy Hội sở chính SBS sẽ thu gọn thành 3 mảng chính.
Mảng kinh doanh gồm các khối môi giới và khối dịch vụ ngân hàng đầu tư, là những đơn vị trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ kinh doanh và chịu trách nhiệm chỉ tiêu kinh doanh của SBS.
Mảng tham mưu và giám sát bao gồm các bộ phận trực thuộc hệ thống vận hành, phân tích và quản lý rủi ro.
Mảng hỗ trợ bao gồm các bộ phận gián tiếp, hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh của công ty.
Tái cấu trúc về hoạt động
SBS tái cấu trúc hoạt động trong giai đoạn 2013 - 2015 để hướng tới mục tiêu trở lại vị thế công ty chứng khoán hàng đầu, hoạt động theo mô hình ngân hàng đầu tư, gắn hoạt động của SBS với các hoạt động của ngân hàng Sacombank...
Trọng tâm hoạt động kinh doanh của SBS trong thời gian tới xoay quanh 6 lĩnh vực: Hoạt động môi giới chứng khoán;Tài trợ giao dịch trên cơ sở kết hợp với hoạt động tín dụng của Sacombank; Môi giới trái phiếu Chính phủ trên cơ sở kết hợp nguồn vốn của Sacombank; Tư vấn tài chính cho doanh nghiệp vừa và nhỏ trên cơ sở kết hợp với hoạt động tín dụng của khối khách hàng doanh nghiệp tại Sacombank; Hoạt động chứng khoán hỗ trợ cho việc mua bán và xử lý nợ xấu; Thu xếp vốn và M&A
Công ty đề ra một số chỉ tiêu kinh doanh giai đoạn 2013 - 2015 như quy mô tổng tài sản đạt từ 900 - 1.300 tỷ đồng, trong đó danh mục đầu tư cổ phiếu chiếm 30% (300 - 500 tỷ đồng). Thị phần dịch vụ môi giới đạt 5% (xếp trong top 5), vốn tự có tăng lên 500 - 1.000 tỷ đồng.
Nguồn Khampha