Thứ Tư | 26/03/2014 10:59

SBS sẽ không hợp nhất với PNS

Nếu không có gì thay đổi trong tháng 4 tới đây SBS sẽ quay lại sàn UpCOM.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc có sáp nhập với chứng khoán Phương Nam hay không, ông Phan Quốc Huỳnh cho rằng chứng khoán Phương Nam vẫn sống tốt nên chưa chắc họ đã muốn "gánh" SBS. SBS hiện sẽ tiếp tục xử lý nợ và mua một CTCK khác để "giải quyết vấn đề kỹ thuật", cắt bỏ lỗ lũy kế.

~~~

Sáng nay đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2013 của CTCP Chứng khoán Sài Gòn Thương Tín (SacombankSBS) đã diễn ra tại trụ sở công ty.


HĐQT báo cáo kết quả tái cấu trúc công ty, định hướng hoạt động 2014, thông qua tờ trình và bầu bổ sung thành viên HĐQT, thông qua tờ trình về cơ chế chính sách phục vụ hoạt động xử lý nợ…

Tính đến 8h30 phút, tổng số cổ phần của công ty là 126.660.000 cổ phần, hiện tổng số cổ đông tham dự đại hội hôm nay 43 người đại diện 92 triệu cổ phần có quyền biểu quyết, ĐHCĐ SBS đủ điều kiện tổ chức.

Về kết quả thực hiện năm 2013, “thành quả” to lớn nhất của SBS là đã thu hồi được 555 tỷ đồng nợ xấu (trên tổng nợ xấu năm 2013 là 1.200 tỷ). Công ty đã đẩy mạnh việc và xử lý và thanh toán các khoản phải trả, nợ ngắn hạn giảm từ 622 tỷ xuống 392 tỷ, nợ dài hạn giảm từ 801 tỷ xuống 61,9 tỷ đồng, lỗ lũy kế giảm 442 tỷ xuống 1.324 tỷ, vốn điều lệ thực dương 191 tỷ, tỷ lệ an toàn tài chính trên 180%.

Năm 2014 SBS đặt kế hoạch 50-60 tỷ đồng doanh thu thuần, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh khoảng 10-20 tỷ đồng, không chia cổ tức trong năm 2014.

SBS sẽ thoái vốn hoặc thanh lý khoản đầu tư tại liên doanh chứng khoán Lanxexang Lào, xem xét khả năng hợp nhất với một CTCK khác để giảm lỗ lũy kế. Nếu không có gì thay đổi trong tháng 4 tới đây SBS sẽ quay lại sàn UpCOM. SBS cũng đặt mục tiêu sẽ tăng vốn trong năm 2014.

Ông Phan Quốc Huỳnh, tổng giám đốc SBS phát biểu: “Chúng tôi không nghĩ còn có ngày ngồi đây, hôm nay chúng ta thoát ra khỏi được. Trong hơn 1 năm qua kể từ khi SBS bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt, SBS đã trải qua những gì xấu nhất, lỗ lũy kế gấp rưỡi vốn điều lệ, nhiều cổ đông lạc quan nhất cũng nghi ngờ về khả năng tồn tại của SBS”.

SBS trước đây có tình trạng mất cân bằng trong chi phí tiền lương, khi ông Huỳnh về đã cắt giảm mạnh chi phí, giảm số lượng nhân viên từ 124 người đầu năm xuống 82 người cuối năm, trong tái cấu trúc tài chính vừa xử lý nợ vừa thanh toán các khoản phải trả.

SBS có những món đầu tư vào công ty vận tải biển, thủy sản đầu tư cả trăm tỷ đồng nhưng nếu thoái vốn ra chỉ còn 1,5 tỷ đồng. Theo ông Huỳnh “tôi rất run nếu phải ký thoái vốn các khoản đầu tư này”, có những khoản đầu tư của SBS vào một số DN, DN nhận tiền xây trụ sở rất khang trang nhưng thực ra doanh nghiệp “vườn không nhà trống”, việc phát huy hiệu quả dòng vốn không có.

Trong biển khó khăn như vậy, SBS đã mời đơn vị kiểm toán EY vào hỗ trợ doanh nghiệp, quá trình tái cấu trúc của SBS không sử dụng tiền vay, câu chuyện tái cấu trúc không phải vay là được. Cuối cùng 6/3/2014 SBS đã được ra khỏi diện bị kiểm soát.

Theo ông Huỳnh, "SBS hiện có 50.000 tài khoản NĐT, nếu SBS sụp đổ thì đó là cú va quá lớn trên TTCK Việt Nam. SBS phải có trách nhiệm với NĐT, với công ty và TTCK Việt Nam. SBS đã trở lại TTCK Việt Nam với đầy đủ chức năng của nó và chúng tôi sẽ trở lại mạnh hơn”.

~~~

5 thành viên HĐQT SBS từ nhiệm từ năm 2013 là ông Kiều Hữu Dũng (nguyên Chủ tịch HĐQT SBS, hiện sang làm Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Sacombank), ông Phạm Nhật Vinh, ông Võ Duy Đạo, ông Mạc Hữu Danh và ông Hoàng Mạnh Tiến.

Đại hội bầu bổ sung 2 thành viên là ông Phan Quốc Huỳnh (TGĐ công ty) và ông Trần Minh Trung (Phó TGĐ công ty). HĐQT SBS sẽ có 6 người.

Nguồn NDH


Sự kiện