Thứ Tư | 15/01/2014 14:49

SBBS yêu cầu Vietinbank hoàn trả 210 tỷ đồng

Đó là quan đểm của luật sư Trần Minh Tâm, bảo vệ quyền lợi SBBS tại phiên xử Huỳnh Thị Huyền Như sáng 15/1.

“Thái độ khác lạ”

Theo đó, luật sư Tâm (bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Công ty cổ phần chứng khoán Saigonbank – Berjaya (SBBS)) cho rằng theo quan sát trong những ngày diễn ra phiên xử, giới luật sư nhận thấy “có dấu hiệu gì đó không bình thường”.

Liệu có sự "che chắn" trong vụ xử Huyền Như?

Trong khi có rất nhiều vấn đề mâu thuẫn này sinh qua lời khai của các bị cáo, thậm chí là có bị cáo kêu oan, đặc biệt là các ý kiến của các pháp nhân, Ngân hàng, Công ty lên tiếng phản đối tư cách “nguyên đơn dân sự” của họ…nhưng đại diện VKS lại cho rằng không cần xét hỏi gì thêm.

Ông cũng khẳng định thái độ trả lời của Huyền Như và VietinBank trước các câu hỏi của luật sư cho thấy những điều khác lạ. “Hình như trong thâm tâm họ biết rõ những điều bất lợi nếu sự thật được làm rõ trước thanh thiên bạch nhật?” – vị luật sư đặt nghi vấn.

Cuối cùng luật sư Tâm “nhắn nhủ”: “Họ (VietinBank chi nhánh TP.HCM-PV) có thể mất đi số tiền đó (tiền đền bù thiệt hại theo yêu cầu của các công ty, pháp nhân, cá nhân) nhưng cái họ được lớn hơn, có ý nghĩa lâu dài, đó là lòng tin của khách hàng.”

SBBS không phải là bị hại

Trước đó, trong phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho SBBS, luật sư Tâm khẳng định công ty không phải là nguyên đơn dân sự trong vụ án này, bởi SBBS không phải là “Tổ chức bị thiệt hại” (khoản 1, điều 52 Bộ luật tố tụng hình sự 2003) do tội phạm “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” của Huyền Như.

Luật sư Nguyễn Minh Tâm

Lập luận của vị luật sư cho rằng, Huyền Như đã “dụ” SBBS ký 14 hợp đồng ủy thác đầu tư vốn, do đó Công ty đã mở tài khoản tại VietinBank chi nhánh TP.HCM. Kể từ ngày 18/5/2011 đến 16/8/2011 SBBS đã 16 lần chuyển tiền về tài khoản này với tổng số tiền là 225 tỷ đồng.

Đến ngày 31/8/2011 SBBS đã chuyển 15 tỷ từ tài khoản mở tại VietinBank chi nhánh TP.HCM đi nơi khác, điều này chứng minh rõ số tiền trên được chuyển đi theo lệnh của SBBS chứ không phải là số vốn do Như chuyển trả theo lời khai của bị cáo. Và đến lúc này SBBS chưa hề mết tiền trong tài khoản đang gửi tại VietinBank chi nhánh TP.HCM.

Tiếp đó luật sư Tâm khẳng định Huyền Như đã dùng các thủ đoạn làm giả chữ ký, con dấu, và bị cáo đã ký tên với tư cách kiểm soát viên để rút số tiền trên của SBBS, nên trong vụ việc này chính VietinBank đã bị Huyền Như “qua mặt”.

Theo phân tích trên, luật sư cho rằng chính sơ hở trong cơ chế quản lý nghiệp vụ nội bộ ngân hàng mới là điều kiện cho Như dùng các thủ đoạn gian dối, và SBBS không phải là người bị lừa trong các thủ đoạn này mà chính VietinBank mới là nạn nhân – là bị hại.

“Vietinbank phải có trách nhiệm hoàn trả 210 tỷ”

Lý do luật sư Tâm đưa ra nhận định trên là vì tài khoản (số 102010001266041) của SBBS mở tại VietinBank chi nhánh TP.HCM là hoàn toàn hợp pháp, bởi trong “Giấy đề nghị mở tài khoản” có chữ ký của Tổng giám đốc SBBS, và đã được đại diện VietinBank chi nhánh TP.HCM lúc đó là ông Trương Minh Hoàng phê duyệt.

Tiếp theo luật sư Tâm cũng nêu ra hàng loạt vi phạm của VietinBank chi nhánh TP.HCM (căn cứ vào điều 12 Quyết định số 1284/2002/QĐ-NHNN).

Theo đó chi nhánh này đã thực hiện các yêu cầu thanh toán giả, các yêu cầu sử dụng tài khản giả của Huyền Như. Bên cạnh đó cũng không kiểm soát các lệnh thanh toán giả, không lập đúng thủ tục quy định, hợp pháp, hợp lệ với các yếu tố do SBBS đăng ký.

Cũng theo luật sư Tâm, VietinBank chi nhánh TP.HCM đã không gửi kịp thời giấy báo nợ, giấy báo có, báo số dư tài khoản… theo yêu cầu của SBBS, như cam kết trong hợp đồng mở tài khoản. Ông cho rằng nếu việc này được thực hiện đúng thì ngay từ lệnh chuyển tiền giả đầu tiên của Huyền Như, SBBS đã phát hiện ra ngay.

Từ những cơ sở trên, luật sư Tâm cho rằng VietinBank chi nhánh TP.HCM hoàn toàn có lỗi trong việc quản lý, giám sát tài khoản của SBBS, do đó phải bồi thường toàn bộ thiệt hại 210 tỷ đồng cùng lãi suất theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Nguyễn Cường

Nguồn Infonet


Sự kiện