Sấy cao su bằng biomass giúp tiết kiệm tiền tỷ
Bằng việc ứng dụng lò đốt biomass (dăm bào, vỏ trấu, vỏ cà phê, rơm rạ…), một công ty sấy mủ cao su tại tỉnh Bình Dương đã tiết kiệm hơn 20% nhiên liệu so với sử dụng dầu diesel như truyền thống. Hệ thống lò đốt này được tiến sĩ Nguyễn Thanh Quang, khoa kỹ thuật hóa học, Trường Đại học Bách khoa TPHCM nghiên cứu, chế tạo trong suốt 3 năm.
Tiết kiệm chi phí
Hơn 3 tháng nay, người dân ở xã Tam Lập, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương lấy làm lạ vì trước cổng Công ty TNHH Sản xuất thương mại Toàn Năng luôn trữ đầy vỏ trấu, rơm rạ… Trong khi đó bên trong nhà máy, hệ thống đốt cấp nhiệt bằng dầu diesel cho lò sấy cũng được “nghỉ hưu”. Khi được hỏi nguyên cớ, quản đốc Lê Văn Tuấn trả lời ngắn gọn: Công ty giờ sấy cao su bằng hệ thống cung cấp nhiệt từ biomass, tốt, nhanh và tiết kiệm lắm!
Theo anh Tuấn, lâu nay công ty vẫn sấy mủ bằng nhiên liệu diesel. Bởi dùng dầu lâu ngày nên bụi bám trong buồng đốt một lớp dày, trong khi lưu lượng gió trong lò sấy hoạt động mạnh, khiến lớp bụi dầu bong tróc bay vào mủ, ảnh hưởng đến chất lượng. Chính vì thế một số nhà máy chế biến cao su đã sử dụng gas thay dầu và việc sử dụng gas cho màu mủ đẹp hơn, môi trường xung quanh nhà máy cũng ít ô nhiễm hơn… Nhưng thực tế cho thấy, đối với lò sấy sử dụng gas gặp khó khi tăng giảm nhiệt độ, không đáp ứng được tức thời theo nhiệt độ yêu cầu của quá trình sấy. Ngoài ra, việc điều chỉnh nhiệt độ khi sử dụng gas phải cần công nhân có tay nghề túc trực thường xuyên. Vì thế, lò đốt biomass của tiến sĩ Quang đã trở thành chọn lựa hàng đầu.
Ông Nguyễn Thành Lâu, Phó giám đốc Nhà máy Toàn Năng khẳng định, thời gian sấy, nhiệt độ buồng sấy giữa lò đốt cung cấp nhiệt bằng biomass và dầu diesel không khác nhau. Sản phẩm sau khi hấp nhìn bằng mắt thường về đội sáng màu, độ dẻo, PRI… Nhà máy cũng đã đưa mẫu đi kiểm tra ba lần đều cho kết quả không khác sấy bằng dầu; vài chỉ tiêu độ sáng, độ cứng có thông số tốt hơn, thuận lợi cho việc xuất khẩu. Đặc biệt, sử dụng nhiệt nhiên liệu biomass công ty tiết kiệm được 20% chi phí so với sấy bằng dầu diesel.
Làm chủ công nghệ
Là cha đẻ của lò đốt bằng biomass kể trên, tiến sĩ Nguyễn Thanh Quang cho biết lò đốt là công trình nghiên cứu cấp nhà nước do ông thực hiện từ năm 2009, đến nay đã mất thêm 3 năm cải tiến và hoàn thiện. Việc dùng biomass cung cấp nhiệt cho việc sấy, hấp tại các nhà máy ở Việt Nam không phải lạ. Bản thân ông đã cung cấp gần 100 hệ thống sử dụng nhiệt từ biomass cho các nhà máy, xí nghiệp trong cả nước. Tuy nhiên, đây là công nghệ đầu tiên sử dụng nhiệt từ biomass trong sấy cao su thay thế dầu diesel, gas ở Việt Nam.
Cũng theo tiến sĩ Quang, khó nhất của việc cung cấp nhiệt bằng biomass là nhiệt độ đúng, đều và ổn định cho buồng sấy. Hiện nhiệt độ cung cấp cho buồng sấy ở Nhà máy Toàn Năng luôn ổn định ở mức 1180C và tự động điều chỉnh để ổn định nhiệt độ này. Nói cách khác, tiến sĩ Quang đã làm chủ công nghệ lò đốt bằng biomass và có thể điều chỉnh nhiệt độ tăng giảm theo yêu cầu của công việc, buồng sấy, hấp cần cho sản phẩm.
Hiện tiến sĩ Quang đã hình thành nên doanh nghiệp đầu tư, vận hành việc cung cấp bán nhiệt cho nhà máy, xí nghiệp. Điều này tạo điều kiện cho nhà máy tập trung hơn vào khâu sản xuất chuyên môn của mình, giảm được chi phí nhân công của việc vận hành lò đốt. Và ông cam đoan chi phí nhiên liệu cũng thấp hơn so với việc sấy bằng dầu, gas, than đá… Được biết, trước hiệu quả của việc sấy mủ cao su từ biomass, Công ty Toàn Năng đã mở rộng các cơ sở chế biến có sử dụng lò đốt biomass. Với khả năng sấy lên đến hàng ngàn tấn mủ, ước tính mỗi năm doanh nghiệp này đã tiết kiệm được hàng tỷ đồng nhiên liệu.
- Nằm trong khuôn khổ Dự án hợp tác kỹ thuật giữa Việt Nam và Nhật Bản JICA-JST “Kết hợp bền vững nền nông nghiệp địa phương và công nghiệp chế biến biomass”, Trường ĐH Bách khoa TPHCM đã nghiên cứu, sản xuất thành công xăng sinh học từ rơm rạ và các chất thải có nguồn gốc xenlulo. Kết quả này tạo cơ sở để xây dựng mô hình “Thị trấn sinh khối” đầu tiên tại xã Thái Mỹ - Củ Chi.- Năm 2011, kỹ sư trẻ Nguyễn Quang Vinh (Viện Nước, tưới tiêu và môi trường thuộc Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn) đã nghiên cứu và sản xuất thành công “Viên nén biomass từ phế thải và phụ phẩm nông nghiệp làm chất đốt”. Viên nhiên liệu có nhiệt trị khá cao (từ 3.800 - 4.500 kCal/kg) nên có thể thay thế được than nhưng với giá rẻ hơn từ 40% - 50%. |
Nguồn Sài Gòn giải phóng