Thứ Ba | 08/07/2014 19:31

Sáu tháng, Ngân hàng Phát triển Việt Nam giải ngân 25.400 tỷ đồng

Chiều 8/7/2014, ông Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đã có buổi làm việc với lãnh đạo Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB).
Nhằm đánh giá tình hình và kết quả cơ cấu lại nền kinh tế theo Kết luận số 10-KL/TW (ngày 18/10/2011) của Hội nghị Trung ương 3 khóa XI, chiều 8/7/2014, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đã có buổi làm việc với lãnh đạo Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) đánh giá tình hình cơ cấu lại VDB (giai đoạn 2011-2013) và cập nhật hoạt động của Ngân hàng đến 30/6/2014.

Ông Trần Bá Huấn, Tổng Giám đốc VDB cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2014, VDB giải ngân gần 6.000 tỷ đồng tín dụng đầu tư, đáp ứng theo yêu cầu tiến độ của các chủ đầu tư, cụ thể thẩm định và chấp thuận thông báo cho vay 11 dự án với số tiền gần 3.500 tỷ đồng, có 8 dự án hoàn thành đưa vào sử dụng; dư nợ tín dụng xuất khẩu bình quân đạt khoảng 83% kế hoạch dư nợ bình quân năm 2014. Bên cạnh đó, VDB cũng đã giải ngân 19.400 tỷ đồng vốn ODA, bằng 169% kế hoạch năm, đưa dư nợ lên 129.620 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, VDB huy động được 11.780 tỷ đồng (trong đó phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh là 9.987 tỷ đồng) và 50 triệu USD từ khoản vay SMBC-City.

Về tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước giai đoạn 2011-2013, VDB đã huy động vốn vượt kế hoạch được giao, năm 2011 đạt 101% kế hoạch và năm 2012 đạt 99,7% kế hoạch và năm 2013 đạt 100% kế hoạch.

Kết quả, tăng trưởng dư nợ bình quân của VDB giai đoạn 2011 - 2013 đạt bình quân 10%/năm. Một số lĩnh vực VDB tập trung đầu tư những năm vừa qua là lĩnh vực đầu tư phát triển các kết cấu hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội, hỗ trợ địa bàn khó khăn và đặc biệt khó khăn, và tín dụng xuất khẩu.

Trên 70% vốn vay đã được ADB hỗ trợ cho địa bàn khó khăn và đặc biệt khó khăn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu. Qua đó, ngân hàng thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ cho các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ về đầu tư phát triển trong nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy, hải sản, thủy điện, khai thác khoáng sản…

Ông Vương Đình Huệ cho rằng, việc VDB đã xây dựng được đề án Chiến lược phát triển Ngân hàng Phát triển Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030 và Đề án xử lý nợ xấu tín dụng đầu tư, tín dụng xuất khẩu của Nhà nước tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có ý nghĩa như một đề án tái cơ cấu để VDB bám sát thực hiện.

Sau khi lắng nghe các ý kiến phát biểu tại buổi làm việc, ông Huệ thay mặt Đoàn công tác Ban Kinh tế Trung ương đã ghi nhận những ý kiến, kiến nghị của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, đây là cơ sở quan trọng để Ban Kinh tế Trung ương tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư có những chủ trương, chính sách để đảm bảo các chỉ tiêu an toàn tài chính, nâng cao chất lượng tín dụng phòng ngừa rủi ro, phát triển ngân hàng chính sách của Chính phủ không vì mục tiêu lợi nhuận theo hướng bền vững, hiệu quả.

Nguồn Vietnam+


Sự kiện