Ảnh: Fitch Ratings
Sau Moody’s, Fitch Ratings hạ triển vọng tín nhiệm với VietinBank, Vietcombank, ACB, MB và ANZ Việt Nam
Ngày 16.4, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings đã hạ triển vọng nhà phát hành nợ dài hạn bằng ngoại tệ (IDR) của 2 ngân hàng Nhà nước và 1 ngân hàng 100% vốn nước ngoài từ “tích cực” xuống mức “ổn định”. Fitch Ratings cũng hạ triển vọng của 2 ngân hàng TMCP từ “ổn định” xuống “tiêu cực”.
Trước đó, vào ngày 9.4, Fitch Ratings cũng thông báo về việc giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam ở mức BB và điều chỉnh triển vọng từ “tích cực” sang “ổn định”.
Tuy nhiên, bậc xếp hạng IDR của 5 ngân hàng này vẫn giữ nguyên.
Cụ thể:
- VietinBank, Vietcombank và ANZ Việt Nam hạ triển vọng từ “tích cực” xuống “ổn định”. Bậc IDR ở mức “BB-”.
- ACB và MB bị hạ triển vọng từ “ổn định” xuống “tiêu cực”. Bậc IDR là “B+”.
Động thái trên diễn ra sau khi một tổ chức xếp hạng tín nhiệm khác là Moody’s đã hạ triển vọng tín nhiệm hệ thống ngân hàng Việt Nam từ “ổn định” xuống “tiêu cực”, cũng với lý do tương tự là ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Tăng trưởng GDP của Việt Nam giảm xuống 3,8% trong quý 1.2020 và Fitch cũng dự báo tăng trưởng GDP cả năm 2020 sẽ giảm xuống còn 3,3%, mức thấp nhất kể từ giữa những năm 1980. Tuy vậy, Fitch cũng kỳ vọng, tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2021 sẽ đạt 7,3% khi nhu cầu bên ngoài và trong nước dần hồi phục, xuất khẩu, du lịch và FDI tăng trở lại.
Trước tình cảnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã giảm lãi suất chính sách và chỉ thị các ngân hàng giãn nợ đối với những người đi vay bị ảnh hưởng bởi COVID-19, đồng thời nới lỏng yêu cầu cho vay. Kết quả là lĩnh vực ngân hàng trở thành trung gian chính truyền tải sự hỗ trợ về tài chính và có khả năng hứng chịu phần lớn gánh nặng về chính sách.
Fitch đã hạ bậc môi trường hoạt động của Việt Nam từ 'bb-' xuống 'b+', nhưng vẫn giữ triển vọng ở mức “ổn định”, vì Fitch kỳ vọng tăng trưởng GDP sẽ giảm tốc mạnh trước khi hồi phục mạnh trong năm 2021. Đà giảm tốc đột ngột về kinh tế sẽ tác động trực tiếp đến chất lượng tài sản và lợi nhuận của các ngân hàng.
Những ngân hàng bị đánh giá triển vọng tiêu cực là do tăng trưởng nhanh chóng trong những năm gần đây, nhất là trong lĩnh vực tín dụng tiêu dùng và cho vay không đảm bảo – vốn chưa hề trải qua chu kỳ giảm.
Fitch Ratings cũng dự đoán rằng khả năng tạo lợi nhuận của các ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng mạnh do nhu cầu tín dụng giảm và lãi suất cho vay thấp hơn sau đợt hạ lãi suất của Ngân hàng Nhà nước và chỉ thị giãn nợ, hỗ trợ đối với những cá nhân/tổ chức bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. “Tấm đệm an toàn” về vốn vẫn còn mỏng cũng là một yếu tố khiến Fitch Ratings cảm thấy lo ngại, trong đó một số ngân hàng vẫn chưa thể đáp ứng yêu cầu về Basel II.
Bên cạnh đó, Fitch Ratings cho rằng thanh khoản và nguồn vốn huy động của các ngân hàng chưa thay đổi đáng kể trước tác động của Covid-19.
Triển vọng tín nhiệm của các ngân hàng thương mại tư nhân thể trở lại mức ổn định nếu điều kiện kinh tế trở nên thuận lợi hơn giúp hoạt động kinh doanh phục hồi hoặc ngược lại sẽ bị hạ thấp hơn nếu đại dịch ảnh hưởng tiêu cực hơn.