VIB đạt lợi nhuận 518 tỉ đồng, gấp 3,3 lần so với quý I/2017. Ảnh: Thiên Ân

 
Việt Dũng Thứ Năm | 31/05/2018 14:00

Sau lợi nhuận khủng, ngân hàng vẫn đua báo lãi

Tiếp bước đà hưng phấn của năm ngoái, quý I năm nay các ngân hàng tiếp tục đua nhau báo lãi lớn.

Một trường hợp điển hình là Vietcombank, ngân hàng vẫn giữ vị thế số một về quy mô lợi nhuận mà vẫn có thể “chạy nhanh” đáng kể. Theo đó, lợi nhuận quý I năm nay đạt 4.359 tỉ đồng, tăng trưởng đến 59,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, nhóm các ngân hàng quốc doanh khác là VietinBank tiếp tục tăng trưởng tốt với mức tăng 19% so với cùng kỳ, đạt 3.027 tỉ đồng lợi nhuận trong quý đầu năm. Ngược lại với hai ngân hàng trên, BIDV lại tỏ ra “hụt hơi” khi chỉ ghi nhận 2.485 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm 30% so với cùng kỳ.

Ở khối ngân hàng tư nhân, lợi nhuận trước thuế đạt mức cao kỷ lục. Chẳng hạn, VPBank và Techcombank tiếp tục so kè nhau trong quý đầu năm nay, với mức lợi nhuận báo cáo lần lượt là 2.618 tỉ đồng và 2.568 tỉ đồng. Các ngân hàng khác cũng không kém cạnh như Ngân hàng Quân Đội báo lãi 1.918 tỉ đồng, ACB lãi 1.490 tỉ đồng, đều đạt mức tăng trưởng tốt.

Trong khi đó, xét về tốc độ tăng trưởng, Eximbank và VIB là hai ví dụ trong số các ngân hàng có lợi nhuận trước thuế tăng mạnh nhất so với cùng kỳ. Eximbank đạt lợi nhuận trước thuế 560 tỉ đồng, còn VIB đạt lợi nhuận 518 tỉ đồng, gấp 3,3 lần so với con số đạt được trong quý I/2017.

Sau loi nhuan khung, ngan hang van dua bao lai
 


“Hầu hết các ngân hàng niêm yết đều tăng trưởng mạnh trong quý I/2018, khác với 6 năm qua”, báo cáo của Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) nhận định. Thống kê của SSI cho thấy mức tăng trưởng tổng lợi nhuận của 10 ngân hàng niêm yết trong quý I đạt 51,6%, cao hơn nhiều so với con số 36% trong năm trước.

Vì sao các ngân hàng tiếp tục lãi lớn trong quý này? Có thể nhận thấy trong kỳ, ngoài các hoạt động tín dụng thông thường và cơ bản vẫn tiếp tục tăng trưởng tốt, thì các hoạt động phi tín dụng cũng đóng góp vai trò đáng kể trong tổng lợi nhuận. Các hoạt động phi tín dụng tăng mạnh ở nhiều ngân hàng và cũng là nguồn cung cấp lợi nhuận lớn trong quý qua, đặc biệt là những ngân hàng như HDBank, VPBank, BIDV, MB và Vietcombank. Thống kê trên 10 ngân hàng niêm yết cho thấy, nếu như thu nhập ròng từ hoạt động thuần (TOI) các hoạt động tín dụng tăng đến 25% so với cùng kỳ, thì các hoạt động phi tín dụng tăng trưởng đến 66%. 

Techcombank là một ví dụ. Ngân hàng này tập trung nhiều vào các hoạt động phi tín dụng. Tỉ trọng thu nhập thuần trên tổng thu nhập hoạt động chỉ ở mức 54,6%, trong khi lợi nhuận từ các hoạt động phi tín dụng chiếm tới 45,4% tổng thu nhập. Không chỉ ở các ngân hàng tư nhân, ngay cả với Vietcombank, tỉ trọng đóng góp vào lợi nhuận của các hoạt động phi tín dụng ngày càng cao hơn. Cụ thể, tỉ trọng thu nhập lãi thuần trên tổng thu nhập đã giảm từ mức 72,4% trong quý I năm ngoái về mức 62,4% trong năm nay. 

Lợi nhuận đáng kể còn đến từ hoạt động đầu tư. Chẳng hạn, mảng mua bán chúng khoán đầu tư của Techcombank ghi nhận khoản lợi nhuận thuần 441 tỉ đồng (tăng 4,7 lần), còn thu nhập từ vốn góp và mua cổ phần mang về khoản lợi nhuận 894 tỉ đồng (cao gấp 2,5 lần so với cùng kỳ). Hai hoạt động này đóng góp đến hơn 28,7% tổng lợi nhuận, trong khi mảng dịch vụ chỉ mang về 491 tỉ đồng, tương đương 10,56% tổng lợi nhuận. 

Ở một số trường hợp đặc biệt, việc thoái vốn mang lại khoản lợi nhuận đáng kể. Chẳng hạn như ở Eximbank, khoản lợi nhuận nhờ thoái vốn khỏi Sacombank đem về gần 684 tỉ đồng, dự kiến sẽ ghi nhận 521 tỉ đồng vào quý I năm nay.

Một điểm đáng chú ý nữa là khoản lợi nhuận “khác”. Ở trường hợp Vietcombank, lãi thuần từ hoạt động khác lại đóng góp tới gần 16,2% tổng thu nhập (trong khi cùng kỳ là 7,7%). Nguyên nhân chủ yếu là vì hoàn nhập khoản trích lập nợ xấu đến hơn 1.500 tỉ đồng (tăng trưởng 179% so với cùng kỳ năm ngoái). Nhiều ngân hàng cũng gia tăng đáng kể khoản thu nhập này, như BIDV (tăng 157% so với cùng kỳ), ACB (tăng hơn 20 lần), Techcombank (tăng 82%), VPBank (tăng 58%),…

Nhìn chung, các ngân hàng tăng trưởng tốt hơn cũng nhờ một phần vào các hoạt động phi tín dụng, hoặc những khoản trích lập dự phòng được hoàn nhập. Bên cạnh đó, một số ngân hàng còn cải thiện được chi phí, từ đó tạo ra lợi nhuận nhiều hơn. Có thể nhận thấy nhiều ngân hàng tập trung vào các hoạt động phi tín dụng, đặc biệt trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng quý I của hệ thống đạt mức 3,5%, thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái là 4,3%, theo báo cáo của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia.

Một tín hiệu đáng mừng khác là việc tập trung vào các hoạt động dịch vụ cũng đã giúp cải thiện tình hình sinh lời của các ngân hàng. Theo thống kê của SSI, lãi suất cho vay trung bình gia tăng và nhờ đó, tỉ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) được cải thiện trên các ngân hàng niêm yết, khi nhiều ngân hàng mở rộng mạnh hơn mảng ngân hàng bán lẻ. Thống kê số liệu cho thấy tỉ lệ NIM của các ngân hàng niêm yết tăng nhẹ từ 3,98% trong quý I/2017 lên 4,07% trong quý I/2018.

“2018 vẫn được dự báo là một năm thành công với ngành ngân hàng”, SSI dự báo. Trong bối cảnh đó, nhiều ngân hàng năm nay đặt chỉ tiêu lợi nhuận rất cao. Như Vietcombank đặt kế hoạch lên đến 13.000 tỉ đồng, hay như VPBank hướng đến mục tiêu lợi nhuận cán mốc trên 10.800 tỉ đồng. Đó là những áp lực rất lớn, nhưng với những khoản lợi nhuận đột biến đến từ những mảng “khác” thông thường như mảng dịch vụ, hay hoàn nhập dự phòng sẽ là chỗ dựa đáng kể để các ngân hàng giữ lời cam kết lợi nhuận đối với các cổ đông.