Thứ Sáu | 18/12/2015 08:28

Sau Fed, NHNN có thể neo đồng tiền Việt Nam vào một giỏ tiền tệ

Tác động từ chính sách của Fed sẽ có độ trễ từ 6 tháng đến 1 năm và mức lãi suất điều hành kỳ vọng điều chỉnh nếu có sẽ khoảng 0,25-0,5%.

Ngày 17/12, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định nâng lãi suất lần đầu tiên sau một thời gian dài duy trì lãi suất ở mức gần 0%. Mức điều chỉnh của Fed là 0,25%, đúng như kỳ vọng của các nhà đầu tư.

Sau cuộc họp, lộ trình tăng lãi suất cũng được Fed đưa ra. Cụ thể, trong năm 2016, có 7/17 thành viên của Ủy ban thị trường mở liên bang (FOMC) kỳ vọng mức tăng lãi suất cơ bản sẽ là khoảng 1,25%, tương đương với 4 lần tăng lãi suất và mỗi lần là 0,25%. 

Với lộ trình này và phản ứng của thị trường tài chính sau thông báo của Fed, CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đưa ra 2 kỳ vọng tiếp theo của thị trường là (1) Fed sẽ tăng lãi suất một cách từ từ và thận trọng; (2) lần tăng lãi suất tiếp theo nhiều khả năng được thực hiện từ giữa cho đến cuối Q2/2016.

Đối với Việt Nam - một nền kinh tế mới nổi tại khu vực châu Á - xét từ góc độ vĩ mô, VDSC đánh giá ảnh hưởng từ sự kiện này có thể thấy rõ nhất ở hai khía cạnh  tỷ giá và lãi suất.

Về tỷ giá, tiền đồng sẽ chịu áp lực mất giá khi đồng USD ngày càng mạnh lên.

Về lãi suất, VDSC cho rằng tác động từ chính sách của Fed sẽ có độ trễ từ 6 tháng đến 1 năm và mức lãi suất điều hành kỳ vọng điều chỉnh nếu có sẽ khoảng 0,25-0,5%.

Đánh giá cụ thể về lãi suất của nền kinh tế trong năm, VDSC sẽ đưa ra nhận định trong vài ngày tới. Riêng đối với tỷ giá - vấn đề đang nóng trong những ngày gần đây – chuyên viên vĩ mô của RongViet Research có những cập nhật quan trọng mà nhà đầu tư cần lưu ý.

Thứ nhất, tỷ giá bán USD hiện tại của các NHTM hiện tại đã ở sát mức trần biên độ cho phép của NHNN là 22.547 đồng. Trong khi đó, giá USD tự do đã tăng lên 22.800 đồng. Chênh lệch giữa giá USD trên thị trường tự do và ngân hàng phản ánh tình trạng căng thẳng về tỷ giá đang ở cao độ trong thời điểm gần cuối năm.

Thứ hai, sau tuyên bố của Fed, NHNN đã đưa ra thông điệp khẳng định chưa điều chỉnh tỷ giá và cho rằng lần điều chỉnh tỷ giá vào tháng 8 đã lường trước ảnh hưởng của việc tăng lãi suất của Fed đối với thị trường Việt Nam. Rõ ràng, NHNN đã lường trước sự kiện này nhưng vẫn không thể kiểm soát được hoàn toàn mức độ kỳ vọng về khả năng phá giá của tiền đồng.

Thứ ba, đồng NDT liên tục mất giá trong những ngày qua, hiện tại, tỷ giá USD/CNY (nội địa) đã tăng lên mức 6,48 và tỷ giá USD/CNH (nước ngoài) đã tăng lên 6,56. Cùng với quyết định của Fed, áp lực phá giá tiền đồng về tâm lý đang cao hơn bao giờ hết và chúng tôi tin tưởng rằng điều này sẽ sớm diễn ra trong đầu năm 2016.

Trong ngắn hạn, nếu NHNN điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng ít hơn kỳ vọng của NĐT (~3-5%) cho cả năm 2016, VDSC cho rằng áp lực phá giá tiền đồng vẫn cao và tâm lý lo ngại sẽ chưa chấm dứt. Ngược lại, nếu NHNN đưa ra mức phá giá mạnh thì sẽ gây sốc cho thị trường. 

Như vậy, vào đầu năm sau, NHNN có thể sẽ đưa ra một chính sách điều hành tỷ giá linh hoạt hơn nhưng trong khuôn khổ thận trọng. Ngoài ra, trong bối cảnh các đồng tiền thị trường mới nổi tiếp tục có biến động mạnh trong năm 2016, khả năng neo đồng tiền Việt Nam vào một giỏ tiền tệ là một biện pháp mà NHNN có thể xem xét.

Như Nguyệt