Với việc nhiều dự án điện gió không hoàn thành kịp tiến độ để được hưởng giá mua điện ưu đãi (FIT) theo Quyết định 39 của Chính phủ do tác động của dịch bệnh COVID-19. Ảnh: TL.
Sau điện mặt trời đến lượt cuộc đua điện gió
Cuôc chạy đua về đích
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa báo cáo Bộ Công thương về kết quả các dự án điện gió đến hết ngày 31/10/2021. Theo đó, danh tính các dự án về đích kịp tiến độ đã lộ diện với các dự án trên bờ, dưới biển trải dài từ Quảng Bình vào Cà Mau.
Cụ thể, số dự án đã vận hành thương mại là 84 dự án với tổng công suất hơn 3.980 MW, trong đó có 15 dự án đã vận hành thương mại một phần với tổng công suất hơn 325 MW. Đối chiếu với số dự án đã ký hợp đồng mua bán điện với EVN là 146 dự án với tổng công suất hơn 8.170 MW, hiện có đến 62 dự án với tổng công suất trên 3.479 MW không kịp về đích để vận hành thương mại trước ngày 1/11/2021.
Như vậy, số dự án điện gió xây dựng và bán điện cho EVN để hưởng giá bán điện ưu đãi theo quyết định 39 thấp hơn nhiều so với số lượng dự án điện gió được bổ sung quy hoạch (11.800 MW).
Theo quyết định 39, dự án vận hành thương mại trước ngày 1/11/2021 sẽ hưởng giá bán điện ưu đãi 8,5 cent/kWh (1.927 đồng) với điện gió trên đất liền và 9,8 cent/kWh (2.223 đồng) với điện gió ngoài khơi trong thời gian 20 năm. Ảnh: TL. |
Theo EVN, các chủ đầu tư đều thống nhất đưa vào thỏa thuận đấu nối điều khoản yêu cầu các chủ đầu tư thực hiện giảm hoặc dừng công suất nhà máy khi có quá tải lưới điện hoặc thừa nguồn và các hợp đồng mua bán điện đều bổ sung yêu cầu này.
Theo quyết định 39 (hết hiệu lực sau ngày 31/10), dự án vận hành thương mại trước ngày 1/11/2021 sẽ hưởng giá bán điện ưu đãi 8,5 cent/kWh (1.927 đồng) với điện gió trên đất liền và 9,8 cent/kWh (2.223 đồng) với điện gió ngoài khơi trong thời gian 20 năm.
Trong số các địa phương triển khai dự án điện gió, Quảng Trị là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về số lượng dự án điện gió kịp vận hành thương mại, còn dự án có công suất lớn nhất là dự án nhà máy điện gió Ea Nam 400 MW tại Đắk Lắk.
Những dự án chưa về đích sẽ đi về đâu?
Với việc nhiều dự án điện gió không hoàn thành kịp tiến độ để được hưởng giá mua điện ưu đãi (FIT) theo Quyết định 39 của Chính phủ do tác động của dịch bệnh COVID-19, tỉnh Ninh Thuận đã đề xuất cấp có thẩm quyền gia hạn thêm giá FIT với điện gió đến tháng 3/2022.
Trước đề xuất gia hạn thêm giá FIT với dự án điện gió đến tháng 3/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí đề nghị Chính phủ nghiên cứu để gia hạn thời hạn áp dụng biểu giá điện gió, nhất là với các dự án đã làm xong, nhưng chưa vận hành được do tác động của dịch bệnh COVID-19.
Công suất điện gió và tỉ lệ điện gió trên hệ thống điện lưới quốc gia. Ảnh: rcee.org.vn. |
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: "Đây cũng có thể xem là một trong những giải pháp trong kế hoạch phục hồi, phát triển kinh tế sau đại dịch, đặt trong bối cảnh như thế để chúng ta tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp".
Theo Quyết định 39, giá FIT ưu đãi cho điện gió trên biển là 9,8 cent một kWh (tương đương 2.223 đồng), và trên bờ là 8,5 cent một kWh (khoảng 1.927 đồng). Giá này chưa gồm thuế VAT, được áp dụng cho một phần hoặc toàn bộ nhà máy vận hành thương mại trước 1/11, và áp dụng trong 20 năm.
Còn lại 62 dự án không kịp vận hành để hưởng giá ưu đãi. Trước đó, Bộ Công thương cho biết, sẽ không xem xét gia hạn hay kiến nghị Chính phủ gia hạn giá FIT ưu đãi với các dự án điện gió vận hành sau ngày 31/10/2021. Đối với các dự án đang xây dựng nhưng bị ảnh hưởng bởi COVID-19, Bộ sẽ có cơ chế xử lý chuyển tiếp song không áp dụng giá FIT, và các dự án xây dựng sau ngày 31/10/2021 sẽ áp dụng cơ chế đấu thầu.