Sau cá tra, đến lượt tôm Việt gặp khó vào Mỹ
Điều này thể hiện rõ nhất khi gần đây, nước này đang áp nhiều loại thuế nên sản phẩm các nước từ châu Âu, châu Á…
Thuế tôm tăng cao
Ngay từ đầu năm, sản phẩm thép Việt đã được đưa vào diện điều tra, sau đó đến sản phẩm cá tra. Vừa qua, sản phẩm bao, túi đóng hàng của Việt Nam cũng vừa bị Mỹ đưa vào diện chống trợ cấp... Từ 31.12.2018, mặt hàng tôm và bào ngư xuất khẩu vào thị trường Mỹ sẽ phải tuân theo Chương trình giám sát nhập khẩu thủy sản Mỹ (SIMP).
Điều này có thể đang tạo thêm một áp lực cho sản phẩm tôm của Việt Nam vào Mỹ. Trong vài năm trở lại đây, sản phẩm thuỷ sản của Việt Nam vào Mỹ phải đối mặt với nhiều rào cản. Nhìn lại số liệu tổng hợp của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho thấy, trong 10 năm gần đây, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ tăng giảm khá thất thường, dao động từ 500 triệu USD đến hơn 1 tỉ USD. Sau khi đạt đỉnh năm 2014 với giá trị xuất khẩu trên 1 tỉ USD, xuất khẩu tôm sang Mỹ có xu hướng chững lại.
Trong 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ đạt 255,7 triệu USD, giảm 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện Mỹ là thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ 3 của Việt Nam, chiếm 15,6% tổng giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam. Trước đây, thị trường Mỹ từng giữ vị trí đầu bảng vế nhập khẩu tại Việt Nam.
Theo ông Võ Văn Phục, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam cho rằng, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu tôm Việt Nam vào thị trường Mỹ đang phải đối mặt với những chính sách bảo hộ mậu dịch khá “phi lý” của nước này nhằm bảo vệ hoạt động sản xuất trong nước.
Đơn cử như đầu tháng 3.2018, Bộ Thương mại Mỹ đã thông báo kết quả sơ bộ vụ kiện chống bán phá giá cho tôm Việt Nam trong giai đoạn xem xét hành chính lần thứ 12 – POR12 (từ 1.2.2016- 31.1.2017) lên đến 25,39%, cao nhất từ trước đến nay.
Đã siết nay còn chặt hơn
Vì lý do đó, con tôm Việt cũng chịu mức thuế chống bán phá giá cao ở mức gần 4,8% và là mức rất cao so với các nước khác. Điều này khiến cho hoạt động xuất khẩu tôm của Việt Nam vào thị trường Mỹ cũng gia tăng áp lực. Trong khi đó, theo Chương trình SIM, 2 mặt hàng của Việt Nam là tôm và bào ngư đã chính thức được đưa vào SIMP theo quy định cuối cùng được Cục Quản lý đại dương và khí quyển quốc gia Mỹ (NOAA) công bố ngày 24.4.2018 vừa qua.
Không chỉ có tôm, bào ngư, cá tra cũng gặp nhiều khó khăn khi vào Mỹ khi nước này đang áp dụng chương trình thanh tra đổi với mặt hàng này kể từ đầu tháng 9.2017. Thực tế, không chỉ có tôm mà doanh nghiệp ngành thủy sản sẽ không thể “tự bơi” vào thị trường Mỹ khi hai “gọng kìm” bảo hộ và thuế chống bán phá giá cùng siết chặt.
Theo bà Heather Brandon, chuyên gia của NOAA, mỗi lô hàng hải sản nhập vào Mỹ phải khai báo đầy đủ thông tin khai thác rất chi tiết như đánh bắt ở vùng biển nào, số hiệu tàu, sản lượng và ngư cụ đánh bắt.
Tôm Việt có lợi thế hơn so với tôm Thái Lan, do nước này có những vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm khiến uy tín sụt giảm. Tuy nhiên, tôm Việt lại đang phải cạnh tranh khá gay gắt với tôm Ấn Độ và Indonesia, khi cả 2 nhà cung cấp này đang đẩy mạnh xuất khẩu sang Mỹ và có lợi thế hơn.
Đặc biệt là Ấn Độ, dù nước này vẫn đang bị phía Mỹ áp thuế chống bán phá giá tôm. Tuy nhiên, Ấn Độ được hưởng mức thuế thấp nhất so với Việt Nam và Thái Lan. Giá thành sản xuất tôm Ấn Độ lại thấp hơn Việt Nam nên giá xuất khẩu sang Mỹ cũng thấp hơn. Bên cạnh đó, Ấn Độ vẫn đang được hưởng lợi từ các chương trình trợ cấp xuất khẩu dành cho các nước đang phát triển. Trong khi đó, do có chí phí đầu vào trong nuôi tôm cao nên tôm Việt Nam luôn có giá trung bình nhập khẩu vào Mỹ cao hơn các nước đối thủ cạnh tranh.
Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), những vấn đề của thủy sản Việt Nam nếu không được giải quyết hiệu quả sẽ là nguy cơ triệt tiêu các nỗ lực tích cực đến từ kết quả thực hiện các Hiệp định thương mại song và đa phương; xây dựng uy tín chất lượng hàng hóa và cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam.