Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Ban cố vấn của Chính phủ thì khó khăn lớn nhất trong việc xử lý nợ xấu hiện nay là hậu mua nợ. Tức là bán nợ như thế nào, nhất là bán cho các nhà đầu tư ngoại. Để xử lý thành công nợ xấu, VAMC phải bán khoảng 60-70% cho các nhà đầu tư nước ngoài. Đây là vấn đề cực khó của Việt Nam lúc này khi chính sách chưa có.
Các chuyên gia kinh tế nhận định, để xử lý nợ xấu thành công, thì vấn đề quan trọng là cần có sự xuất hiện của nhà đầu tư nước ngoài.
Hàn Quốc, giai đoạn 1999-2003 đã bán tới 8,5% nợ xấu cho nhà đầu tư nước ngoài. Trong 2 năm 2003 - 2004, Trung Quốc cũng đã bán10 tỷ USD nợ xấu cho nước ngoài. Thái Lan, Malaysia... trước đây đã phải thay đổi luật, cho phép người nước ngoài được sở hữu bất động sản để đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ xấu.
Ngân hàng Nhà nước mới đây cho biết cần phải đẩy nhanh việc hình thành thị trường mua bán nợ, tạo điều kiện bán nợ cho nhà đầu tư. Năm 2013, VAMC sẽ mua 30.000 - 35.000 tỷ đồng nợ xấu, dự kiến 2014, con số này có thể lên đến 100.000 - 150.000 tỷ đồng.
Với quy mô nợ lớn như vậy, hy vọng thị trường mua bán nợ sẽ được tạo lập và hoạt động tốt. Các cơ quan của nhà nước cần nhanh chóng hoàn tất các thủ tục pháp lý cần thiết để trên cơ sở đó tạo ra một thị trường mua bán nợ tập trung cho tất cả các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
Ở nước ta hiện nay, thị trường mua bán nợ được đánh giá còn khá sơ khai, cả về các điều kiện ra đời, phát triển cũng như thực tiễn hoạt động. Theo giới chuyên gia, muốn hình thành được thị trường mua bán nợ cần phải có hành lang pháp lý ổn định.
Thị trường này cũng có người bán (doanh nghiệp (DN) nhu cầu bán nợ), người mua (DN nhu cầu mua nợ), hoạt động, phát triển dưới sự chi phối của các quy luật cung cầu, quy luật cạnh tranh, chi phí, lợi nhuận... và một tòa án chuyên nghiệp để xử lý nợ xấu.
Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch cho rằng, nợ xấu vẫn là điểm nghẽn của nền kinh tế hiện nay. Vừa qua, VAMC đã khởi động mua nợ, nhưng nếu không có dòng tiền từ bên ngoài bơm vào, thì xử lý nợ vẫn là chuyển nợ từ ngân hàng sang VAMC, tức là từ "túi trái sang túi phải" không có gì hơn. Hiện có thông tin, các tập đoàn nước ngoài muốn mua nợ Việt Nam, nhưng với cơ chế hiện nay, chắc chắn không nhà đầu tư nào dám mua.
Theo luật sư Trương Thanh Đức, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế ngân hàng, chúng ta gần như bế tắc, gần như đóng cửa với nhà đầu tư nước ngoài vì vướng ở những cơ chế về sở hữu nhà cửa, sở hữu đất đai, về tỷ lệ góp vốn cổ phần đối với các DN nói chung và đối với các ngân hàng nói riêng. Tất cả những vấn đề đó có những cái chúng ta đang xem xét tháo gỡ, nhưng có những cái thì chưa thấy đặt ra trong lịch trình.
Theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, các ngân hàng bán nợ xấu cho VAMC với mong muốn VAMC sẽ giúp họ thu hồi được vốn từ các khách hàng không có khả năng hoàn nợ, chứ họ không muốn sau 5 năm các khoản nợ xấu lại trở về với mình. Vấn đề lớn nhất hiện nay không phải là việc VAMC mua nợ xấu của ai, với giá như thế nào, mà điều các tổ chức tín dụng bán nợ quan tâm là sau khi mua nợ của họ, VAMC sẽ xử lý các khoản nợ xấu như thế nào?
Vấn đề lo ngại là liệu sau 5 năm quay vòng, các tổ chức tín dụng có phải nhận lại món nợ xấu đã bán? Với quy định phải trích lập dự phòng mỗi năm 20% nợ xấu bán cho VAMC, sau 5 năm nếu VAMC không xử lý được sẽ trả lại cho các tổ chức tín dụng thì chẳng khác gì vay vốn trả chậm với lãi suất cao, chỉ có thể giúp các tổ chức tín dụng làm sạch sổ sách, giành lại thế được vay, được tái cấp vốn trong khoảng thời gian 5 năm mà thôi, ông Thành phân tích.
TS. Lê Xuân Nghĩa khẳng định, Việt Nam đang có nhiều cơ hội bán nợ cho các tập đoàn nước ngoài. Nếu bỏ lỡ cơ hội này, nợ xấu sẽ khó được xử lý.
Ông Nghĩa cũng đưa ra cảnh báo, nếu kinh tế phục hồi chậm, thị trường bất động sản cũng không có chuyển biến rõ rệt và xử lý nợ xấu gặp nhiều rủi ro, thì nhà đầu tư nước ngoài sẽ bỏ đi. Đây sẽ là thách thức lớn không chỉ của hệ thống ngân hàng mà của cả nền kinh tế.
Nguồn VEF