Sau 2 tháng EVFTA có hiệu lực, điện thoại và linh kiện là nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam sang EU. Ảnh: Vietnamplus

 
Minh Anh Thứ Tư | 21/10/2020 14:18

Sau 2 tháng có hiệu lực, EVFTA đã giúp doanh nghiệp Việt xuất khẩu được gần 1 tỉ USD

24.000 bộ chứng nhận xuất xứ hàng hoá (C/O) từ Việt Nam đã được cơ quan chức năng cấp cho các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hoá đi 28 nước châu Âu.

Sau khi EVFTA có hiệu lực, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã có tăng trưởng tốt về kim ngạch nhờ sử dụng C/O để hưởng ưu đãi thuế quan.

Việt Nam là một trong số ít quốc gia có hiệp định thương mại với châu Âu (sau Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore).

Nhiều mặt hàng đã có tăng trưởng tốt về kim ngạch có sử dụng Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa C/O để hưởng ưu đãi thuế quan.

Nông sản có nhiều lợi thế

Theo bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, trong 2 tháng qua, các cơ quan chức năng đã cấp khoảng 24.000 bộ chứng nhận xuất xứ hàng hoá (C/O) từ Việt Nam cho các doanh nghiệp xuất khẩu đi 28 nước châu Âu (EU) để hưởng ưu đãi thuế quan theo EVFTA, với trị giá xuất khẩu đạt 963 triệu USD. Bên cạnh đó còn có khoảng 660 C/O tự xuất xứ với kim ngạch 2 triệu USD.

Những mặt hàng thuộc nhóm nông sản như, gạo, cà phê, thủy sản, trái cây…vẫn đang xuất khẩu nhiều sang thị trường châu Âu sau khi EVFTA có hiệu lực. Nhiều mặt hàng đã có tăng trưởng tốt về kim ngạch có sử dụng C/O để hưởng ưu đãi thuế quan.

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho biết, kể từ ngày 1.8, Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực và mở ra một chân trời mới đầy hứa hẹn trong quan hệ Việt Nam - Liên minh châu Âu (EU). EVFTA là giấy thông hành đưa hàng hóa Việt Nam đến thị trường có quy mô trên 500 triệu dân, GDP 18.000 tỉ USD.

Ảnh: Qúy Hòa
Những mặt hàng thuộc nhóm nông sản như, gạo, cà phê, thủy sản, trái cây…vẫn đang xuất khẩu nhiều sang thị trường châu Âu sau khi EVFTA có hiệu lực. Ảnh: Qúy Hòa

Trong tháng 8, mặt hàng gạo tăng từ 0,93 triệu USD lên mức 3,05 triệu trong tháng 9. Một trong những doanh nghiệp có lô gạo xuất khẩu đầu tiên đượng hưởng ưu đãi thuế quan là Công ty Cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An.

Theo đó, Công ty Trung An đã xuất khẩu 5 container gạo thơm (150 tấn) sang Đức. Đây là một trong những lô hàng gạo đầu tiên vào thị trường EU, trong hạn ngạch 80.000 tấn được hưởng thuế suất 0% theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).

Mỗi năm, Việt Nam xuất khẩu hơn 6 triệu tấn gạo, nhưng vào thị trường EU chỉ khoảng 20.000 tấn/năm. Với hiệp định EVFTA, gạo Việt Nam sẽ có 80.000 tấn được miễn giảm thuế về 0%, trong đó có 30.000 tấn là gạo thơm. Theo chuyên gia Võ Tòng Xuân, hiện EU đang ngưng nhập khẩu gạo từ một số nước. Với hiệp định EVFTA sẽ mở ra cơ hội cho gạo Việt Nam gia tăng xuất khẩu vào thị trường này. 

Da giày, dệt may cũng đang tận dụng lợi thế

Mặt hàng giày dép, đạt 144,1 triệu USD vào tháng 8 và lên mức 246,7 triệu vào tháng 9. Hầu hết những doanh nghiệp xuất khẩu giày dép đều đã xuất khẩu đi thị trường EU từ nhiều năm nay và từ đầu tháng 8 thì xuất khẩu theo tiêu chuẩn ưu đại EVFTA.

Trong khi mặt hàng dệt may tăng từ mức 7,33 triệu USD lên 19,75 triệu USD. Theo quan điểm của BVSC, Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (HNX: TNG) và Công ty Cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (HoSE: TCM) là 2 doanh nghiệp hưởng lợi rõ nhất từ hiệp định này.

Theo lý giải của BVSC, đây là 2 doanh nghiệp có khả năng tự chủ về nguyên vật liệu cũng như sở hữu tệp khách hàng EU lớn. Cụ thể, đối với TNG, EU là thị trường lớn nhất, chiếm 54% doanh thu.

Ảnh: Qúy Hòa
Sau khi có EVFTA, mặt hàng dệt may tăng từ mức 7,33 triệu USD lên 19,75 triệu USD.Ảnh: Qúy Hòa

Qua 2 tháng, trị giá xin cấp C/O ở mặt hàng giày dép đạt 391 triệu USD; gạo là 3,98 triệu USD và dệt may là 27,08 triệu USD.

Nhìn chung, thủy sản và giày dép là hai mặt hàng có tỷ lệ sử dụng mẫu C/O cao, từ 50-80% vì đây là mặt hàng có mức thuế quan ưu đãi tốt hơn so với mức thuế theo GSP (ưu đãi của châu Âu với các nước đang phát triển) đang được áp dụng.

Theo bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký của Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (LEFASO), bà không bất ngờ về việc kim ngạch xuất khẩu của hàng da giày có chứng nhận C/O mẫu EUR.1 để hưởng ưu đãi EVFTA cao.

Nhóm mặt hàng này không chịu yêu cầu quá ngặt nghèo về xuất xứ và lâu nay các doanh nghiệp đã thực hiện theo GSP nên đã có kinh nghiệm và khả năng đáp ứng. Bên cạnh đó, nhiều nhãn hàng cũng đã đưa một số nguyên phụ liệu vào Việt Nam.

Ảnh: Qúy Hòa
Qua 2 tháng, trị giá xin cấp C/O ở mặt hàng giày dép đạt 391 triệu USD. Ảnh: Qúy Hòa

Đặc biệt, trong qúy III, tình hình sản xuất xuất khẩu đã khởi sắc, đơn hàng đã trở lại và nhà máy cũng bắt đầu tuyển dụng trở lại. Theo bà Xuân, "Trong tháng 8 và 9, các doanh nghiệp trong ngành xuất khẩu khoảng 1 tỉ USD đi các thị trường, trong đó gần 400 triệu, tức 40% là được chứng nhận xuất xứ để hưởng ưu đãi EVFTA". 

Theo Bộ Công Thương, xuất khẩu của Việt Nam qua EU đã có kết quả tích cực từ khi EVFTA có hiệu lực. Tổng xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam qua EU và Anh trong tháng 8 đạt 3,77 tỉ USD và tháng 9 là 3,54 tỉ USD. Cả hai con số của tháng này tăng lần lượt 3 và 8% so với cùng kỳ.

Theo ông Lộc, đây là Hiệp định được mong chờ nhất trong suốt những tháng ngày qua. EU là đối tác nhập khẩu lớn, với sức mua đứng thứ 2 thế giới và là thị trường trọng điểm của xuất khẩu Việt Nam trong nhiều năm qua. Trong khu vực châu Á, Việt Nam là một trong số ít quốc gia có hiệp định thương mại với EU (sau Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore).

Có thể bạn quan tâm:

► Kỳ vọng vào EVFTA, xuất khẩu chạy nước rút về đích