Việt Nam bắt đầu nhập siêu từ tháng 5 sau 4 tháng đầu năm xuất siêu. Ảnh: TL.
Sau 10 tháng, Việt Nam nhập siêu 1,45 tỉ USD
Trong báo cáo mới nhất vừa công bố của Bộ Công Thương về tình hình sản xuất công nghiệp, thương mại, xuất khẩu có dấu hiệu hồi phục trong tháng 10 khi tăng 1% so với tháng 9, đạt kim ngạch trên 27 tỉ USD.
Tính chung 10 tháng, kim ngạch xuất khẩu cả nước tăng gần 17% so với cùng kỳ 2020, ước đạt hơn 267,9 tỉ USD. Khu vực doanh nghiệp nước ngoài vẫn chiếm tỉ trọng chủ yếu trong kim ngạch xuất khẩu cả nước, gần 74% với 198,16 tỉ USD trong 10 tháng. Doanh nghiệp trong nước xuất khẩu gần 70 tỉ USD, chiếm hơn 26% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Công nghiệp, chế biến tiếp tục đóng góp chính vào tăng trưởng xuất khẩu chung, chiếm tỷ trọng hơn 86% với gần 230,7 tỉ USD. Trong số này, xuất khẩu sắt thép các loại tăng 132% so với cùng kỳ, ước đạt 9,65 tỉ USD. Máy móc thiết bị phụ tùng dụng cụ các loại đạt gần 29,6 tỉ USD tăng xấp xỉ 40% so với cùng kỳ năm ngoái.
Công nghiệp, chế biến tiếp tục đóng góp chính vào tăng trưởng xuất khẩu chung. Ảnh: TL. |
Ở chiều nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết tháng 10 chỉ đạt 26,2 tỉ USD, giảm 1,7% so với tháng 9 và tăng 8,1% so với cùng kỳ 2020. Luỹ kế 10 tháng Việt Nam nhập khẩu gần 269,4 tỉ USD, tăng 28,2% so với cùng kỳ.
Như vậy, cán cân thương mại tháng 10 xuất siêu 1,1 tỉ USD, nhưng 10 tháng vẫn nhập siêu 1,45 tỉ USD. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 22,7 tỉ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (gồm dầu thô) xuất siêu 21,28 tỉ USD.
Việt Nam bắt đầu nhập siêu từ tháng 5 (2 tỉ USD), sau 4 tháng đầu năm xuất siêu. Bộ Công Thương nêu 4 nguyên nhân cán cân thương mại vẫn thâm hụt trong 10 tháng qua. Trước tiên do kinh tế thế giới phục hồi, nhu cầu tăng, các doanh nghiệp của Việt Nam đã tăng lượng nhập khẩu nguyên vật liệu để phục vụ cho sản xuất.
Bên cạnh đó, giá cả hàng hóa thế giới tăng nên giá nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất tăng cao, góp phần tăng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam. Giá cước vận tải biển khiến chi phí logistics của doanh nghiệp bị "đội" lên, làm tăng trị giá nhập khẩu. Và xuất khẩu giảm tốc từ tháng 6.
Xuất khẩu của Việt Nam được đánh giá đang có những thuận lợi khi khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do. Ảnh:Tongcuchaiquan. |
Dù vậy, cơ quan này đánh giá, xuất khẩu của Việt Nam được đánh giá đang có những thuận lợi khi khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) và nhu cầu thị trường đang tăng vào dịp mua sắm cuối năm, đặc biệt là nhóm hàng Việt Nam có lợi thế. Các nhân tố này sẽ giúp cán cân thương mại Việt Nam cải thiện.
Về thị trường xuất khẩu, Mỹ vẫn là nước nhập nhiều hàng hoá của Việt Nam nhất trong 10 tháng, ước đạt hơn 76 tỉ USD, tăng gần 22% so với cùng kỳ 2020. Tiếp đến là Trung Quốc với xấp xỉ 44,7 tỉ USD, tăng 18% và chiếm gần 17% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Các thị trường EU, ASEAN, Nhật Bản lần lượt đạt 31,7 tỉ USD; 23,03 tỉ USD và 17,9 tỉ USD trong 10 tháng.
Về thị trường nhập khẩu, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 89,43 tỉ USD, chiếm tỉ trọng 33,2% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước. Kế đến là Hàn Quốc với 45,52 tỉ USD, ASEAN gần 33 tỉ USD; Nhật Bản hơn 18 tỉ USD và Mỹ gần 13 tỉ USD.