Minh Anh Chủ Nhật | 23/09/2018 10:24

Satra kiếm tiền nhiều nhất từ đâu?

Khoản cổ tức 2.800 tỉ đồng nhận từ Heineken đã đóng góp rất lớn vào khoản lãi ròng của Satra trong năm tài chính 2017.

Lợi nhuận đến từ liên doanh

Từ khoản cổ tức này, doanh thu thuần Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) tăng hơn 13% so với năm trước, đạt trên 11.970 tỉ đồng. Lợi nhuận gộp sau khi trừ giá vốn bán hàng là 1.440 tỉ đồng.

Khoản thu lớn nhất trong năm của Satra tiếp tục đến từ lợi nhuận từ công ty liên doanh, liên kết với gần 3.640 tỉ đồng. Trong báo cáo công ty mẹ, khoản cổ tức và lợi nhuận được chia này hạch toán vào doanh thu hoạt động tài chính và không chịu thuế thu nhập 20%.

Satra có 6 công ty con và 21 công ty liên doanh, liên kết hoạt động chủ yếu lĩnh vực buôn bán nông sản, bia rượu, thịt và các sản phẩm chế biến từ thịt… Nổi bật trong số này là Công ty TNHH Nhà máy bia Việt Nam và Công ty TNHH Bia và Nước giải khát Việt Nam, đơn vị phụ trách hoạt động phân phối bia Heineken.

Satra kiem tien nhieu nhat tu dau?
 

Satra đang nắm giữ 40% vốn điều lệ tại mỗi công ty này, tương ứng vốn góp tính đến cuối năm lần lượt là 399 tỉ đồng và 42 tỉ đồng. Bà Lê Minh Trang, Tổng giám đốc Satra hiện là Chủ tịch Hội đồng thành viên của Nhà máy Bia Việt Nam. Báo cáo tài chính ghi nhận cổ tức Satra được chia năm 2016 từ hai công ty này là 2.800 tỉ đồng, tăng khoảng 100 tỉ so với năm ngoái.

Sau khi trừ chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp, khoản thu này giúp lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp trực thuộc UBND TP.HCM nhảy vọt lên 3.800 tỉ đồng.

Đây là năm thứ 3 liên tiếp Satra duy trì mạch tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận, trước khi dự báo giảm nhẹ trong năm 2018 do vấp phải sự cạnh tranh gay gắt từ các nhà bán lẻ có tiềm lực mạnh trong và ngoài nước.

Theo thông tin từ Satra, doanh thu toàn hệ thống Satra ước đạt 63.092 tỉ đồng, đạt 103,17% kế hoạch, tăng 12,69% so với cùng kỳ, lợi nhuận ước đạt 12.456 tỉ đồng, đạt 103,81% kế hoạch. 

Doanh thu cốt lõi không cao

Kết quả kinh doanh của Satra giai đoạn 2015 – 2017 nhìn chung đạt được sự tăng trưởng qua từng năm. Hiện tiến độ thoái vốn và cổ phần hóa của Công ty vẫn còn chậm.

Năm 2017, đẩy mạnh hệ thống cửa hàng tiện lợi, Tổng Công ty đã nâng tổng số cửa hàng tiện lợi mang thương hiệu Satrafoods lên 157 cửa hàng. Trên thị trường bán lẻ hiện đang cạnh tranh gay gắt, nhiều đối thủ nước ngoài đang chiếm ưu thế trên thị trường. Về việc tái cấu trúc danh mục đầu tư tài chính, Công ty đã thực hiện thoái vốn tại 6 đơn vị, thu hồi vốn tại 2 đơn vị và giải thể 1 đơn vị.

Nhìn chung, hoạt động sản xuất kinh doanh ở các công ty con tăng trưởng qua từng năm, riêng đối với Công ty TNHH May mặc Xuất khẩu Tân Châu đang gặp khó khăn do sức ép cạnh tranh ngành may mặc trong khu vực, một số khách hàng chiến lược đã chuyển sang thị trường khác có mức giá cạnh tranh hơn.

Hiện Satra có một số khoản đầu tư vào các công ty đang niêm yết nhưng đa phần chưa đem lại hiệu quả. Cụ thể, khoản đầu tư vào Vinasun khiến Satra phải trích lập dự phòng 47 tỉ đồng, hay khoản đầu tư vào Ngân hàng SHB phải trích lập dự phòng tới 104 tỉ đồng.

Theo kế hoạch năm 2018, Satra sẽ xây dựng vùng nguyên liệu lúa để chủ động nguồn hàng, tiếp tục tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu. Theo đó, doanh thu mục tiêu trong năm 2018 đạt 17,237 tỉ đồng, tăng nhẹ 6% so với thực hiện ở năm 2017 và lợi nhuận trước thuế kỳ vọng 3,353 tỉ đồng, giảm 12%; kim ngạch xuất khẩu vào khoảng 57.3 triệu USD, tăng 8% so với năm 2017.

Về việc tái cấu trúc danh mục đầu tư tài chính, Công ty đã thực hiện:

- Thoái vốn tại 6 đơn vị (CTCP XNK Hàng tiểu thủ công nghiệp Sài Gòn, CTCP Vật liệu xây dựng và trang trí nội thất TP.HCM, CTCP Bao bì Sài Gòn, CTCP Nhà hàng Ngọc Lan Đình, CTCP Chế biến hàng xuất khẩu Cầu Tre – bán bớt một phần vốn theo kế hoạch, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt).

- Thu hồi vốn tại 2 đơn vị (CTCP Đầu tư và Phát triển Hệ thống phân phối Việt Nam, Quỹ đầu tư Việt Nam – hoàn trả một phần

- Giải thể 1 đơn vị (Công ty liên doanh Satra Sokimex).