Thứ Sáu | 10/08/2012 09:56

Sắp thắt chặt quy định về kiểm soát đặc biệt với công ty chứng khoán

Dự kiến công ty không báo cáo tỷ lệ an toàn tài chính sẽ đương nhiên rơi vào trường hợp bị kiểm soát đặc biệt.
Không báo cáo chỉ tiêu an toàn tài chính lên Ủy ban chứng khoán Nhà nước (UBCK) là một trong những cách mà công ty chứng khoán SME đã làm để thoát khỏi danh sách bị kiểm soát đặc biệt. Thông tư 226/2010/TT-BTC của Bộ Tài chính về an toàn tài chính các tổ chức kinh doanh chứng khoán đã không đề cập đến trường hợp đó. Tuy nhiên, nhiều chiêu lách kiểm soát đặc biệt sẽ bị chặn đứng khi Thông tư 226 chuẩn bị được sửa đổi.

Sửa đổi thông tư 226

Trao đổi với báo Đầu tư chứng khoán, lãnh đạo UBCK cho hay, Ủy ban sẽ có văn bản trình Bộ Tài chính một số nội dung sửa đổi Thông tư 226.

Cụ thể, các trường hợp Công ty chứng khoán không thực hiện báo cáo tỷ lệ an toàn tài chính theo quy định tại Thông tư 226 sẽ đương nhiên rơi vào trường hợp bị kiểm soát đặc biệt.

Đối với các trường hợp báo cáo kiểm soát/kiểm toán tỷ lệ an toàn vốn khả dụng, mà tỷ lệ an toàn vốn khả dụng sau khi tính đến yếu tố ngoại trừ bị sụt về dưới 120%, thì sẽ đương nhiên bị coi là rơi vào trường hợp kiểm soát đặc biệt.

Thêm vào đó, chế tài cho các công ty chứng khoán rơi vào tình trạng kiểm soát đặc biệt sẽ mạnh hơn. Hiện tại, Thông tư 226 đang cho phép các công ty chứng khoán ở trong tình trạng kiểm soát đặc biệt có 6 tháng để khắc phục, trước khi bị xem xét đình chỉ hoạt động. Tuy nhiên, khi sửa đổi Thông tư 226, thời gian để khắc phục tình trạng này của công ty chứng khoán chỉ là 3 tháng.

Lãnh đạo UBCK nói: "Việc sửa đổi Thông tư 226 được kỳ vọng sẽ buộc công ty chứng khoán phải nâng cao sức khỏe của mình, chứ không phải là việc nghĩ ra các biện pháp để lách quy định. Đồng thời, những công ty chứng khoán yếu kém cũng sẽ bị đào thải nhanh hơn.

Một số công ty chứng khoán có nguy cơ bị ảnh hưởng

Trong danh sách 7 công ty chứng khoán bị kiểm soát đặc biệt đã được công bố, không có những cái tên như công ty chứng khoán SME, công ty chứng khoán Hà Thành. Theo lý giải của cơ quan quản lý, công ty chứng khoán SME dù đã nhiều lần bị nhắc nhở vì không đáp ứng yêu cầu thanh khoản trong quá trình thanh toán bù trờ giao dịch chứng khoán, nhưng vẫn không rơi vào dạng bị kiểm soát đặc biệt, vì họ không báo cáo.

Đối với công ty chứng khoán Hà Thành (HASC), tỷ lệ an toàn vốn khả dụng của công ty tại thời điểm 30/6 là 171%. Với tỷ lệ này, dù không vượt ngưỡng 180% nhưng HASC vẫn còn cách xa so với ngưỡng 120% để bị rơi vào tình trạng kiểm soát đặc biệt.

Tuy nhiên, theo báo cáo soát xét được thực hiện bởi Công ty dịch vụ kiểm toán và tư vấn UHY, có 2 khoản ngoại trừ liên quan đến các hợp đồng mà HASC hợp tác với ngân hàng thương mại và công ty tài chính. Theo phía kiểm toán, hiện tại, HASC vẫn đang trong quá trình xác định nghĩa vụ nợ liên quan đến các hợp đồng hợp tác mà công ty này đã ký với đối tác, với tổng nghĩa vụ phải trả của 2 hợp đồng là 170 tỷ đồng. Trong khi đó, HASC có tổng vốn đầu tư của chủ sở hữu và thặng dư vốn cổ phần là 182 tỷ đồng, lỗ lũy kế đến 30/6 là 127 tỷ đồng.

Đối với công ty chứng khoán Liên Việt (LVS), chỉ tiêu an toàn vốn khả dụng tại thời điểm 30/6 theo báo cáo soát xét là 218%. Tuy nhiên, giống như trường hợp của HASC, báo cáo soát xét có vài điểm ngoại trừ. Trong đó, vấn đề được thị trường biết đến nhiều hơn là những thiệt hại tài chính (có thể có) liên quan đến hợp đồng hợp tác đầu tư chứng khoán do nguyên Tổng giám đốc LVS, ông Hoàng Xuân Quyến ký.

Số tiền 32,5 tỷ đồng giá trị hợp đồng được phản ánh trên báo cáo tài chính tại mục đầu tư ngắn hạn, nhưng xét theo thị giá thì chỉ còn 13,5 tỷ đồng. Công ty không trích lập dự phòng, chỉ tính hệ số rủi ro 8%. Nếu thay đổi quan điểm đánh giá rủi ro về khoản tiền này, tỷ lệ an toàn vốn khả dụng có thể sẽ khác.

Nguồn Đầu tư chứng khoán


Sự kiện