Thứ Năm | 10/04/2014 12:21

Sáp nhập vào Maritime Bank, MDB sẽ chia tay đối tác ngoại

Nếu thương vụ thành công, ngân hàng sau sáp nhập sẽ có vốn điều lệ gần 11.800 tỷ đồng và cổ đông chiến lược FFH sẽ thoái vốn toàn bộ khỏi MDB.

Một nguồn tin từ Ngân hàng Mê Kông-MDB cho biết, thương vụ sáp nhập nhà băng này vào Maritime Bank đang được hai bên ráo riết hoàn tất. Tờ trình xin sáp nhập sẽ được nhà băng hai bên bổ sung vào các nội dung xin ý kiến cổ đông tại đại hội sắp tới.

Nếu thương vụ thành công, ngân hàng sau sáp nhập có vốn điều lệ gần 11.800 tỷ đồng (bằng tổng vốn điều lệ hiện tại của Maritime Bank 8.000 tỷ đồng và MDB 3.750 tỷ đồng), với tổng tài sản khoảng 113.000 tỷ đồng.

d
Nếu sáp nhập thành công, ngân hàng sau sáp nhập sẽ có vốn điều lệ gần 11.800 tỷ đồng.

Nguồn tin từ MDB cho biết thêm, Công ty đầu tư tài chính Fullerton Financials Holding (FFH) đang là đối tác chiến lược sở hữu 20% cổ phần của MDB và sẽ thoái toàn bộ vốn trong thời gian tới. FFH là công ty 100% vốn của Temasek Holdings - một tập đoàn tài chính hàng đầu của chính phủ Singapore,

"Số cổ phần trên đã được FFH chuyển nhượng lại cho Maritime Bank. Mọi thủ tục đã hoàn tất. FFH sẽ không rút khỏi Việt Nam mà đang tìm kiếm một nhà băng khác để hợp tác trong thời gian tới", nguồn tin MDB cho hay.

Năm 2010, MDB bắt tay với cổ đông chiến lược FFH, đưa vốn điều lệ từ 50 triệu USD lên 150 triệu USD (tức từ 1.000 tỷ đồng lên 3.000 tỷ đồng). FFH cũng bắt đầu triển khai áp dụng những thông lệ và tiêu chuẩn quốc tế của ngành ngân hàng tại MDB.

Một chuyên gia tại TP HCM cho rằng, việc sáp nhập để tạo ra các ngân hàng lớn, vững mạnh hơn đang là xu thế tất yếu của việc tái cơ cấu thị trường tài chính, ngân hàng, được các cơ quan quản lý ủng hộ nên MDB sáp nhập vào Maritime Bank là điều dễ hiểu. Hơn nữa, theo ông này việc sáp nhập cũng mang tới khả năng mở rộng hoạt động cho ngân hàng Maritime Bank cũng như đối tác sáp nhập, bổ sung lợi thế kinh doanh cũng như quản lý chi phí.

"MBD là một ngân hàng tuy quy mô nhỏ nhưng có lợi thế về mảng tín dụng nông nghiệp. Các điểm giao dịch của MDB cũng phân bổ chủ yếu ở các tỉnh miền Tây nên sẽ bổ sung tốt cho mạng lưới phát triển của Maritime Bank", vị chuyên gia nhận xét.

Ngoài ra, việc sáp nhập hai ngân hàng này tương đối hợp lý bởi có chung một số cổ đông lớn, tức gần gũi với nhau về mặt sở hữu.

Nguồn tin của MDB cho biết thêm, việc sáp nhập thực chất vẫn trong giai đoạn xúc tiến. Trong trường hợp được đại hội cổ đông 2 bên thông qua, cần nhận được sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan quản lý mới tiến hành. Theo ông, đây là một quá trình lâu dài và cẩn trọng, cần đảm bảo đúng thủ tục, quy trình cũng như quyền lợi của khách hàng, cổ đông và sự an toàn trong hệ thống.

Trong lộ trình tái cơ cấu bắt đầu từ năm 2012 đến nay, Thống đốc Nguyễn Văn Bình nhiều lần nhắc tới kế hoạch sáp nhập để cho ra đời một số ngân hàng quy mô lớn tầm khu vực, bên cạnh việc xử lý những đơn vị quy mô nhỏ hoạt động không hiệu quả và không minh bạch về quản trị, sở hữu.

Thương vụ Maritime Bank và MDB nếu thành sẽ là vụ sáp nhập đình đám tiếp theo trên thị trường, sau hợp nhất của Habubank-SHB, Western Bank với Công ty Tài chính PVFC, HDBank với DaiA Bank, và gần đây nhất là Sacombank dự kiến nhận sáp nhập Southern Bank.

Tới đây, không loại trừ khả năng các ngân hàng quốc doanh sẽ tìm kiếm để hợp nhất, sáp nhập một số ngân hàng cổ phần quy mô nhỏ.

Nguồn Vnexpress


Sự kiện