Sáp nhập PGBank, HDBank được gì?
Với quy mô nhỏ hơn so với 2 ngân hàng trên, đâu là toan tính của HDBank?
Thương vụ bất ngờ
HDBank mở đầu cho thương vụ M&A các ngân hàng trong năm, bằng việc bất ngờ công bố phương án nhận sáp nhập PGBank trong kỳ họp Đại hội cổ đông thường niên vừa qua. Cùng thời điểm đó, kỳ họp Đại hội cổ đông ở VietinBank cũng đã hủy phương án sáp nhập với PGBank sau khi “dạm hỏi” từ năm 2015 nhưng lại không đến được với nhau.
Đây là tin khá bất ngờ trên thị trường, bởi trước đó PGBank dự kiến sáp nhập vào VietinBank, rồi đến “người mới” đồn đoán là Ngân hàng Quân Đội (MB). Lãnh đạo MB cho biết Ngân hàng hiện đang có những tính toán đẩy mạnh M&A trong thời gian tới và không loại trừ PGBank.
Theo đề án, việc sáp nhập sẽ được hai ngân hàng triển khai ngay trong tháng 4. Thời gian biểu khá gấp rút khi đến tháng 7 sẽ tiến hành hoán đổi cổ phiếu với tỉ lệ 1: 0,621 và tháng 8 sẽ hoàn tất việc sáp nhập.
Cụ thể, sẽ có 186,3 triệu cổ phiếu HDBank được phân bổ cho cổ đông PGBank. Mỗi cổ phiếu HDBank sẽ nhận được thêm 0,116 cổ phiếu HDBank với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Theo đó, có 113,7 cổ phiếu HDBank được phân bổ cho cổ đông hiện hữu, kèm theo điều kiện mua lại. Ngân hàng HDBank sau sáp nhập sẽ mua lại toàn bộ số cổ phần này làm cổ phiếu quỹ với giá mua lại tối đa là 13.000 đồng/cổ phần.
Đây cũng không phải là lần đầu HDBank nhận sáp nhập với ngân hàng khác, trước đó là Ngân hàng Đại Á vào năm 2012. Bối cảnh khi đó là nợ xấu chính thức ở Đại Á bắt đầu tăng cao, các cổ đông ngân hàng lần lượt thoái vốn để tránh sở hữu chéo và Đại Á về với HDBank theo nguyên tắc “gom về một chủ”. HDBank có vẻ như hấp thụ khá tốt Đại Á, nhưng còn PGBank, ngân hàng này có gì hấp dẫn?
PGBank là ngân hàng thuộc Tập đoàn Xăng dầu Petrolimex, với tỉ lệ sở hữu lên đến 40%. Tập đoàn này cũng vừa báo cáo lợi nhuận trong năm 2017 lên đến gần 2.900 tỉ đồng, tức gần tương ứng với số vốn điều lệ của Ngân hàng PGBank.
Điều này có nghĩa không phải Petrolimex không có tiềm lực tài chính, nhưng tập đoàn này buộc phải thoái vốn ngoài ngành theo quy định của cơ quan quản lý. Ngân hàng Petrolimex dự kiến giảm tỉ lệ sở hữu xuống còn 5,62%.
Dù vậy, với số vốn điều lệ chỉ ở mức 3.000 tỉ đồng sau nhiều năm, PGBank hầu như không tăng trưởng gì. Theo báo cáo tài chính, quy mô tài sản hiện ở mức 29.297 tỉ đồng và dư nợ tín dụng khoảng 21.421 tỉ đồng đã tăng đáng kể trong năm 2017, trong khi nhiều năm trước đó hầu như không biến động nhiều.
Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế giảm 80,4 tỉ đồng từ mức 153,255 tỉ đồng do chi phí dự phòng tăng cao (hơn gấp đôi) dù lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cũng tăng. Trong báo cáo thường niên, PGBank cho biết các hoạt động của Ngân hàng trì trệ vì quá trình sáp nhập bị trì hoãn và kéo dài hơn dự kiến.
Dù vậy, trong con mắt của HDBank, Ngân hàng PGBank lại trở nên hấp dẫn. Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị HDBank, nhận xét: “Nợ của PGBank không lớn và tương đối sạch”. Báo cáo cho thấy tỉ lệ nợ xấu của Ngân hàng vào khoảng 3,2%.
Quy mô nợ xấu của PGBank theo báo cáo hiện nay khoảng 600 tỉ đồng, còn số dư bán nợ cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) là 2.200 tỉ đồng. Thêm nữa, PGBank đã trích lập khoảng 850 tỉ đồng, thu nợ 200 tỉ đồng. Các khoản nợ này có tài sản đảm bảo là bất động sản và nếu bán đi, dự kiến thu về ít nhất được khoảng 70%.
Chia sẻ với cổ đông, HDBank cũng đã thuê công ty kiểm toán đánh giá trước khi quyết định sáp nhập. Các khoản nợ được trích lập đầy đủ và đang tích cực thu hồi. PGBank vì thế, theo những người lãnh đạo của HDbank, không phải là gánh nặng mà có thể là một động cơ “đẩy” ngân hàng này tiến nhanh hơn trong chiến lược bán lẻ của mình.
Toan tính của HDBank
HDBank là một trong những ngân hàng có bước thay đổi nhảy vọt trong năm qua khi hoàn tất việc niêm yết trên sàn chứng khoán, gọi vốn từ cổ đông ngoại và lợi nhuận trước thuế làm ra tăng hơn gấp đôi. Giống như các ngân hàng khác, trong xu hướng phát triển, HDBank buộc phải tăng vốn mạnh mẽ. Dự kiến vốn điều lệ của ngân hàng sau sáp nhập là 12.810 tỉ đồng, được cộng dồn bởi 2 ngân hàng.
Việc tăng vốn mang lại 2 giá trị quan trọng: đảm bảo năng lực tài chính ngân hàng và việc tuân thủ các giới hạn theo quy chuẩn mới. Bà Lê Thị Băng Tâm, Chủ tịch Hội đồng Quản trị HDBank, cho biết HDBank sau khi hoàn tất niêm yết cổ phiếu sẽ tiếp tục các hoạt động M&A với mục tiêu đưa Ngân hàng trở thành một trong những ngân hàng hàng đầu về quy mô.
Nhưng toan tính khác của HDBank ngoài việc phình to về quy mô tài sản, còn hướng đến việc mở rộng bán lẻ. Bà Thảo cho biết việc sáp nhập sẽ giúp cho HDBank tiếp cận hệ sinh thái của Petrolimex, với hơn 20 triệu khách hàng cùng 4.000 điểm bán lẻ.
HDBank cũng khá năng động trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng. Ngân hàng này sớm mua lại Công ty Tài chính Société Générale Viet Finance (SGVF), rồi bán 49% cho đối tác chiến lược là Saison (Nhật), thành lập HD Saison.
Theo bà Thảo, thương vụ sáp nhập sẽ giúp HDBank thực hiện sớm hơn chiến lược ngân hàng bán lẻ đã thông qua trong giai đoạn 2017-2021. Đó là trở thành hệ thống tín dụng có quy mô vượt trội, sở hữu hơn 400 chi nhánh và 15.000 điểm bán lẻ dịch vụ. Ngoài đối tượng khách hàng cá nhân, HDbank còn hướng đến phân khúc doanh nghiệp vừa và nhỏ, bên cạnh thị trường tín dụng tiêu dùng.
Thực tế, bản thân PGBank ngay từ ngày đầu phát triển cũng đã định hướng tập trung vào lĩnh vực tài chính tiêu dùng. Nhưng dù có thế mạnh cạnh tranh đặc biệt được xác định từ đầu là các dịch vụ tài chính liên quan, nhưng việc điều hành một tổ chức tín dụng rõ ràng chẳng bao giờ là dễ dàng với một tập đoàn có chuyên môn về xăng dầu.
Điểm yếu này được bù đắp với một ngân hàng được đánh giá là khá năng động trong bối cảnh hiện nay. Sau những cuộc thảo luận với VietinBank hay Ngân hàng Quân Đội, cuối cùng PGBank chọn cách “ngả” về phía HDBank.
Lý giải cho việc không thể hoàn tất giao dịch, tờ trình của VietinBank có ghi: “VietinBank và PGBank đều có những quan điểm, lập luận riêng để đảm bảo lợi ích cho ngân hàng và cổ đông của mình, dẫn tới hai ngân hàng không thống nhất được phương án sáp nhập cũng như các điều khoản liên quan đến giao dịch”.
Ngoài ra, việc trở thành đối tác chiến lược với Petrolimex cũng có thể mang đến cho HDBank những lợi thế riêng đáng kể khác. Theo báo cáo tài chính, tập đoàn này có khoản tiền gửi thanh toán đến 3.339 tỉ đồng, tiền gửi có kỳ hạn 1.855 tỉ đồng ở PGBank. Thêm nữa, các công ty con và công ty liên kết trong Petrolimex cũng có tương tự (tiền gửi thanh toán 336 tỉ đồng, tiền gửi có kỳ hạn 1.045 tỉ đồng), chưa tính đến những khoản cho vay doanh nghiệp trong hệ sinh thái xăng dầu này.
Hệ thống mạng lưới sau sáp nhập sẽ có quy mô 89 chi nhánh, 275 phòng giao dịch và 9 quỹ tiết kiệm, một văn phòng đại diện ở Yangon. Trong 3 năm đầu tiên, HDBank sau sáp nhập dự kiến mở thêm 55 chi nhánh và phòng giao dịch. Còn lợi nhuận trước thuế trong năm nay của Ngân hàng dự kiến sẽ đạt gần 4.600 tỉ đồng