Sáp nhập Nhựa Đà Nẵng, Nhựa Bình Minh lợi gì?
Công ty Nhựa Đà Nẵng (DPC) sẽ về một nhà với Nhựa Bình Minh (BMP). Dự kiến ngày 26.4 tới đây, Nhựa Đà Nẵng sẽ tổ chức đại hội cổ đông. 2 ngày sau, đại hội cổ đông của Nhựa Bình Minh cũng sẽ diễn ra. Trong tài liệu trình cổ đông, cả hai công ty đều nhắc đến nội dung sáp nhập. Nhựa Đà Nẵng còn lên phương án rất chi tiết cho việc sáp nhập vào Nhựa Bình Minh.
Cụ thể, nếu được cho phép, trong quý II hoặc quý III năm nay, Nhựa Bình Minh sẽ phát hành 604.065 cổ phiếu để hoán đổi toàn bộ cổ phiếu của Nhựa Đà Nẵng. Tỉ lệ hoán đổi được đề xuất là 100:27, tức 100 cổ phiếu DPC đổi lấy 27 cổ phiếu BMP. Sau hoán đổi, Nhựa Đà Nẵng sẽ trở thành công ty con 100% trực thuộc Nhựa Bình Minh. Toàn bộ cổ phiếu DPC sẽ được hủy niêm yết, hủy lưu ký trên thị trường chứng khoán.
Đối với hoạt động tại doanh nghiệp, một năm đầu sau sáp nhập, Nhựa Bình Minh chưa can thiệp đến nhân sự ở Nhựa Đà Nẵng. Nhưng sau đó, Nhựa Bình Minh có quyền sắp xếp, tổ chức lại lao động. Theo lãnh đạo Nhựa Đà Nẵng, quyết định về với Nhựa Bình Minh có mục đích nhằm “nâng cao năng lực sản xuất và hiệu quả kinh doanh, từ đó gia tăng giá trị cho cổ đông và cải thiện thu nhập người lao động”.
Thực tế, Nhựa Đà Nẵng là doanh nghiệp có quy mô khiêm tốn, với vốn điều lệ ban đầu chỉ hơn 15,8 tỉ đồng. Trải qua 15 năm niêm yết trên sàn, Nhựa Đà Nẵng có duy nhất một lần phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông chiến lược là Nhựa Bình Minh (2008). Sau lần tăng vốn lên hơn 22,37 tỉ đồng đó, công ty này chuyển sàn từ TP.HCM ra Hà Nội (2009).
Nhựa Đà Nẵng hoạt động chủ yếu trong ngành nhựa, gồm cả nhựa công nghiệp và nhựa gia dụng. Sản phẩm nhựa công nghiệp thường chiếm trên 90% doanh thu của Công ty. Địa bàn kinh doanh chính của họ là Đà Nẵng (55%), còn lại là các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.
Về kinh doanh, suốt giai đoạn 2011-2015, doanh thu của Nhựa Đà Nẵng chủ yếu theo xu hướng giảm và chưa từng vượt qua được cột mốc 100 tỉ đồng. Riêng mức lợi nhuận cao nhất trong 5 năm này mà Nhựa Đà Nẵng từng đạt là 5,3 tỉ đồng vào năm 2011.
Trong khi đó, Nhựa Bình Minh là đơn vị đầu ngành, có quy mô vốn gấp 20 lần Nhựa Đà Nẵng. Thị trường tiêu thụ sản phẩm của Nhựa Bình Minh, đặc biệt là ống nhựa, cũng không bị giới hạn ở vùng miền địa lý như Nhựa Đà Nẵng, mà đã mở rộng trên khắp cả nước với khoảng 100 cửa hàng cấp 1 và 1.300 cửa hàng cấp 2. Ở những nơi đặt chân, Nhựa Bình Minh đều chiếm giữ thị phần đáng kể. Chẳng hạn, sản phẩm Nhựa Bình Minh chiếm tới 50% thị phần phía Nam, 20-30% thị phần miền Trung, Tây Nguyên. Còn ở miền Bắc, do vấp phải cạnh tranh mà Nhựa Bình Minh chưa thể tấn công mạnh, mới chỉ nắm 5% tại khu vực này.
Dù vậy, với quy mô và vị thế của mình, từ năm 2008, Nhựa Bình Minh đã đạt mức doanh thu trên 1.000 tỉ đồng. 5 năm trở lại, doanh thu, lợi nhuận của Nhựa Bình Minh vẫn tiếp tục ở xu hướng tăng. Ðáng chú ý, nếu tỉ suất lợi nhuận trung bình giai đoạn 2011-2015 của Nhựa Đà Nẵng chỉ khoảng 3-4%, con số này tại Nhựa Binh Minh là 16-17%.
Những lợi thế của Nhựa Bình Minh dường như có lợi cho Nhựa Đà Nẵng hơn trong thương vụ sáp nhập. Về phía Nhựa Bình Minh, nếu sáp nhập diễn ra thành công, đây sẽ là lần đầu tiên Công ty tiến hành sáp nhập một doanh nghiệp cùng ngành.
Trong các thông tin đưa ra từ trước đến nay, Nhựa Bình Minh không nhấn mạnh đến hoạt động M&A. Liên quan đến chiến lược đầu tư, ưu tiên của Nhựa Bình Minh là rót tiền cho nghiên cứu phát triển sản phẩm. Vì thế, việc Nhựa Bình Minh trình phương án sáp nhập công ty liên kết Nhựa Đà Nẵng qua hình thức hoán đổi cổ phiếu khiến không ít nhà đầu tư ngạc nhiên.
Bởi lẽ, không cần kết hợp với Nhựa Đà Nẵng, Nhựa Bình Minh vẫn rất mạnh. Với năng lực sẵn có, thị phần đã xác lập ở miền Trung, Tây Nguyên, công suất sản xuất đã lên tới 85.000 tấn/năm và sẽ đạt 120.000 tấn/năm vào năm 2018 khi nhà máy thứ 4 ở Long An hoàn thành, Nhựa Bình Minh đủ khả năng tự mở rộng hoạt động.
Nhưng theo phòng phân tích Công ty Chứng khoán Maritime (MSI), “sáp nhập Nhựa Đà Nẵng giúp Nhựa Bình Minh thuận lợi hơn trong tiếp cận các khách hàng là công ty cấp thoát nước và công ty xây dựng ở miền Trung”. Ngoài ra, Nhựa Đà Nẵng còn sở hữu quỹ đất có thể giúp Nhựa Bình Minh đầu tư mở rộng kênh phân phối hoặc xây thêm nhà máy. Đặc biệt, trong một ngành có hơn 3.000 doanh nghiệp tham gia và luôn bị “lăm le” giành mất khách hàng, bớt được đối thủ vẫn tốt hơn.
Ngành nhựa đang phải cạnh tranh quyết liệt, không chỉ giữa các doanh nghiệp Việt Nam mà còn với các đối thủ ngoại, chủ yếu đến từ Thái Lan. Tính đến thời điểm hiện tại, chỉ riêng Tập đoàn SCG của Thái Lan đã bỏ vốn vào hơn 20 doanh nghiệp nhựa Việt Nam. Trong đó, khoản đầu tư đáng chú ý nhất là mua 80% cổ phần Công ty Nhựa Tín Thành, một doanh nghiệp thuộc tốp đầu trong lĩnh vực nhựa bao bì của Việt Nam. SCG còn nắm giữ cổ phần lớn tại 4 công ty chuyên sản xuất nhựa gia dụng - bao bì là Liên doanh Việt - Thái Plastchem, Nhựa và Hóa chất TPC Vina, Chemtech và Vật liệu nhựa Minh Thái.
Đối với 2 công ty ống nhựa hàng đầu là Nhựa Tiền Phong và Nhựa Bình Minh, SCG thông qua công ty con là Nawaplastic Industries cũng đã đầu tư rót vốn và hiện là cổ đông lớn thứ hai, chỉ sau Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). SCIC lại có kế hoạch rút vốn khỏi 2 công ty nhựa kể trên. Việc này sẽ tạo cơ hội cho Nawaplastic Industries tăng nắm giữ tại Nhựa Tiền Phong và Nhựa Bình Minh.
Hiện tại, SCG và các doanh nghiệp Thái vẫn đang tiếp tục tìm kiếm cơ hội đầu tư vào ngành nhựa. Đích nhắm của các tổ chức này là những công ty nhựa trong nhóm đầu. Lâu nay, họ đã đầu tư theo hình thức lộ diện. Và giờ đây, khi Nhựa Đà Nẵng sắp sáp nhập vào Nhựa Bình Minh, giới đầu tư có quyền liên tưởng đến một hình thức đầu tư khác của các “ông lớn” đến từ Thái Lan: đầu tư trung gian.
Mặc dù Nawaplastic Industries chưa có nhiều quyền hạn tại Nhựa Bình Minh do chỉ nắm giữ hơn 20% vốn điều lệ, nhưng với việc cổ đông lớn nhất là SCIC sắp thoái vốn và Nhựa Bình Minh dự kiến xin ý kiến cổ đông về việc nới room tối đa, Nawaplastic Industries nhiều khả năng sẽ dấn bước sâu hơn vào Nhựa Bình Minh. Vì thế, những dự tính của SCG trong việc làm chủ thị trường nhựa xây dựng có thể triển khai ngay từ bây giờ. Và cách thức chinh phục ngành nhựa qua những thương vụ đầu tư “ẩn mình” sẽ dễ tạo thiện cảm hơn so với rót vốn trực tiếp.
Viết Nguyên