Sáp nhập ngân hàng và dấu hỏi nợ xấu
Theo Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Trần Thị Hồng Hạnh, việc các ngân hàng có kế hoạch sáp nhập là hoàn toàn tự nguyện nhằm hướng tới mục tiêu lành mạnh và ổn định hệ thống.
Tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thông qua hợp nhất, sáp nhập đã là chủ trương của ngành Ngân hàng từ cuối năm 2011 khi hệ thống bắt tay vào tái cơ cấu nhóm ngân hàng yếu kém có nguy cơ đổ vỡ.
Khi đó, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã chỉ rõ, trong điều kiện nền kinh tế nước nhà không thể có một khoản kinh phí lớn để tái cấu trúc ngân hàng yếu kém giống như một số nền kinh tế mạnh trên thế giới, phương án hợp lý là phát huy nội lực hay nói một cách khác, lấy ngay lực lượng sẵn có trong hệ thống để tiến hành tái cấu trúc các tổ chức này.
Theo đúng lộ trình mà ngành Ngân hàng đã vạch ra, năm 2013 ngành Ngân hàng đã hoàn thành cơ bản tái cấu trúc 9 ngân hàng thuộc nhóm yếu kém (hiện chỉ còn Ngân hàng TMCP Dầu khí Toàn cầu (GP Bank) đang trong quá trình hoàn tất thủ tục với đối tác nước ngoài vì đối tác sẽ mua lại 100% cổ phần của ngân hàng này). Từ năm 2013 đến 2015 tập trung vào việc nâng cao các hiệu quả an toàn, củng cố và xây dựng hệ thống.
Trong lộ trình củng cố, xây dựng hệ thống, vào mùa đại hội cổ đông năm nay, một loạt ngân hàng đã đưa ra phương án sáp nhập hoặc có kế hoạch về nội dung này. Theo Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Trần Thị Hồng Hạnh, việc các ngân hàng có kế hoạch sáp nhập là hoàn toàn tự nguyện nhằm hướng tới mục tiêu lành mạnh và ổn định hệ thống.
Đến nay không chỉ có các ngân hàng thương mại cổ phần được xác định là có tình hình tài chính lành mạnh nhưng quy mô nhỏ chủ động tìm đến sáp nhập với một ngân hàng lớn hơn mà các ngân hàng thương mại Nhà nước cũng đã đánh tiếng về vấn đề này trong tương lai không xa.
Tuy nhiên, nhìn từ con mắt của giới chuyên gia, nhiều ý kiến cho rằng, có thể vì đây là mùa đại hội cổ đông cuối để các ngân hàng lên kế hoạch nhằm kịp cho giai đoạn 2 của lộ trình tái cấu trúc là hết năm 2015 lành mạnh hóa tình trạng tài chính, củng cố năng lực hoạt động của các ngân hàng, nhưng cũng không thể vì áp lực thời gian mà giảm nhẹ sự cẩn trọng cần thiết của công việc này.
Có lẽ cũng chính vì thế mà thời gian qua, một số ngân hàng đã rút lại địa chỉ sáp nhập cụ thể, thay vào đó là chỉ xin ý kiến cổ đông ủy quyền cho Hội đồng quản trị có kế hoạch sáp nhập với đối tác phù hợp, trên cơ sở bảo toàn quyền lợi cổ đông, tiến tới đưa ngân hàng ngày càng phát triển.
Theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, sáp nhập theo phương thức ngân hàng lớn “dìu dắt” ngân hàng nhỏ, bên nhận sáp nhập sẽ chịu thách thức rất lớn với khoản nợ xấu mà ngân hàng nhỏ mang tới.
Đây cũng là dấu hỏi về tính hiệu quả thực sự của việc sáp nhập. Hợp nhất, sáp nhập có thể giải quyết vấn đề sở hữu chéo như trường hợp điển hình là Sacombank sáp nhập Southern bank hay Maritime Bank sáp nhập MDB, nhưng sáp nhập không thể hóa giải được nợ xấu mà còn làm cho món nợ to thêm.
Hệ thống ngân hàng Việt Nam đang trong tình trạng khó khăn do những yếu kém căn bản từ nhiều năm nay không được điều chỉnh kịp thời và hiệu quả. Thêm vào đó, sự suy thoái kinh tế dai dẳng vẫn đang đưa đến những khó khăn mới cho các ngân hàng. Do đó, theo các chuyên gia kinh tế, sáp nhập là một hướng đi đúng, phù hợp với thể trạng của hệ thống ngân hàng Việt Nam nhưng vấn đề hiện hữu và cũng là cốt lõi trong thời gian tới là làm thế nào để trong việc tái cơ cấu, vấn đề nợ xấu cũng được lên kế hoạch xử lý một cách căn bản và hiệu quả.
Nguồn Hai quan