Thứ Ba | 10/04/2012 23:03

Sáp nhập HBB và SHB: Bảo mật thông tin và quyền lợi cổ đông

Thông tin sáp nhập HBB và SHB đã không được đảm bảo giữ bí mật theo những quy định của NHNN trong quá trình sáp nhập.
Hôm nay 10/04, Ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội – Habubank (Mã: HBB) đã thông báo thay đổi ngày họp đại hội cổ đông sang ngày 28/04/2012 thay cho kế hoạch cũ vào ngày 14/04, với lý do để có thêm thời gian hoàn thiện các tài liệu bổ sung trình Đại hội đồng cổ đông thông qua.

Đây là điều hợp lý khi mà một nội dung quan trọng là sáp nhập HBB vào SHB chưa được ngân hàng thông báo với cổ đông trong tài liệu ĐHCĐ. Tuy nhiên việc thay đổi là chuyện “đặng chẳng đừng” với HBB sau chính sự lùm xùm của việc công bố thông tin giữa các bên liên quan.

Khác với quá trình hợp nhất 3 ngân hàng trước đây được NHNN đứng ra chủ trì với những buổi công bố thông tin minh bạch, rõ ràng thì thương vụ sáp nhập HBB vào SHB được thông tin trên một tờ báo. Ngay sau đó thì lãnh đạo 2 ngân hàng phủ nhận. NHNN cũng cho biết chưa nhận được báo cáo và đề nghị của SHB và HBB về việc mua lại, hợp nhất hay sáp nhập.

Như vậy đến thời điểm này đó có thể khẳng định thỏa thuận giữa 2 ngân hàng là chưa có hoặc nếu có thì cũng chưa được gửi lên cơ quan quản lý, và đang được bảo mật theo đúng nguyên tắc Bảo mật thông tin tại Mục 3 điều 5 – Thông tư 04/2010/TT-NHNN.

Nguyên tắc bảo mật được NHNN quy định rõ: “Các thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Tổng giám đốc và các tổ chức, cá nhân có liên quan của các tổ chức tín dụng tham gia sáp nhập, hợp nhất, mua lại phải có trách nhiệm bảo mật thông tin để các tổ chức tín dụng này được hoạt động ổn định trước khi Đề án sáp nhập, hợp nhất, mua lại được cơ quan có thẩm quyền quyết định của tổ chức tín dụng thông qua.” Đó là ngày 13/03/2012.

Đến ngày 03/04 thì câu chuyện sáp nhập HBB vào SHB rõ ràng hơn khi cũng thông tin từ một bài báo cho biết 2 bên đã có một “biên bản ghi nhớ số 01/2012 ngày 8/3/2012 HBB - SHB”. Trong đó, các bên thống nhất thực hiện phương thức sáp nhập theo Thông tư số 04/2010/TT-NHNN ngày 11/2/2010 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Như vậy có thể thấy đúng là thỏa thuận sáp nhập của HBB vào SHB đã được 2 bên chấp thuận từ ngày 08/03 và thông tin cần được bảo mật đã được bật mí ra bên ngoài từ hôm 12/03. Rõ ràng đã có người vi phạm nguyên tắc bảo mật được NHNN quy định.

Trao đổi với Luật sư Trần Minh Hải, công ty Luật chuyên Ngân hàng, Chứng khoán và Đầu tư, cho biết:

"Điều khoản bảo mật có 3 ý nghĩa. Thứ nhất là giảm sự tác động đối với TTCK khi mà 2 bên đều là DN niêm yết. Thứ 2 là không cho phép tiết lộ thông tin cho người thân sử dụng nhằm trục lợi. Thứ 3 là quá trình sáp nhập ngân hàng rất phức tạp, tất cả mới chỉ ở giai đoạn đầu và có thể thành công hay không cũng chưa rõ. Do vậy việc bảo mật thông tin giúp 2 phía có thể quay lại nhanh chóng mà không gây ra xáo động đối với cả cổ đông, người gửi tiền và khách hàng khác."

Như vậy với việc thông tin được quy định bảo mật được tiết lộ ra ngoài, và những lùm xùm sau đó đã có ảnh hưởng lớn tới nhiều bên liên quan. Cụ thể ở đây là cổ đông hiện hữu của 2 ngân hàng niêm yết và các nhà đầu tư.

Chắc chắn có những người được hưởng lợi và những người bị thua thiệt. Quan trọng hơn sự thiếu cẩn trọng và tinh tế trong bạch hóa thông tin khiến cho niềm tin của cổ đông và nhà đầu tư bị giảm sút rất nhiều, cũng rất khó có thể khẳng định là có hay không người lợi dụng thông tin để trục lợi.

Mặc dù luật chưa có những quy định cụ thể về chế tài xử phạt đối với việc tiết lộ thông tin cần được bảo mật nhưng đối với những thông tin như vậy, quan trọng nhất là sự tuân thủ nghiêm túc những quy định đã được đặt ra. Điều này thể hiện sự tinh thần tôn trọng luật pháp của các bên liên quan.

Quyền lợi người chủ

Các cổ đông ngân hàng là người chủ thực sự. Một trong những mong muốn của người chủ là biết doanh nghiệp đang hoạt động ra sao, gặp khó khăn gì và điều gì có thể sắp xảy ra với “đứa con” của mình.

Với những người chủ của HBB và SHB thời gian qua dường như đã mất phương hướng với những thông tin của ngân hàng. Quyền lợi của các cổ đông, nhất là cổ đông nhỏ đã bị xem nhẹ. Điều an ủi duy nhất là giá cổ phiểu của cả SHB và HBB đều tăng, lợi ích kinh tế không bị ảnh hưởng.

Quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng được NHNN khuyến khích thực hiện ước tính có 5-8 ngân hàng sẽ sáp nhập. Thật khó tưởng tượng việc các cổ đông ngân hàng vào một ngày nào đó, biết ngân hàng mình sở hữu sắp được sáp nhập từ một nguồn thông tin không thể kiểm chứng chứ không phải do ngân hàng công bố.

Và những người chủ của ngân hàng sẽ có cơ hội để được thể hiện quyền của mình khi việc sáp nhập HBB vào SHB được đem ra xin ý kiến của cổ đông. Nếu như các cổ đông HBB hoặc SHB không muốn sáp nhập thì thông tin về bản thỏa thuận kia trở thành áp lực lên ban lãnh đạo của 2 ngân hàng.

“Nếu điều đó xảy ra (cổ đông không chấp thuận sáp nhập) thì thương vụ đó vẫn có thể thực hiện thông qua thâu tóm. Sáp nhập là sự tự nguyện nên quá trình sẽ diễn ra yên ả, còn nếu phải thực hiện thâu tóm thì để đạt được mục đích sẽ rất khó khăn và phức tạp” – ông Hải chia sẻ ý kiến.

Tại ĐHCĐ tới đây của 2 ngân hàng, diễn ra cùng 1 ngày (28/04), chắc chắn các cổ đông sẽ phải cân nhắc rất cẩn thận để thực hiện quyền của mình. Đó là quyết định ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của họ, quyền lợi người chủ.

Nguồn http://cafef.vn


Sự kiện