Thứ Bảy | 11/08/2012 10:29

Sắp có quỹ mở đầu tiên trên thị trường chứng khoán

Sau những sự kỳ vọng, cái tên quỹ mở đầu tiên đang chuẩn bị xuất hiện: CTCP Quản lý quỹ đầu tư Việt Nam (VFM).
TSKH. Nguyễn Thành Long, Vụ trưởng Vụ Quản lý các công ty quản lý quỹ và Quỹ đầu tư chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cho biết, Công ty cổ phần quản lý quỹ đầu tư Việt Nam (VFM) vừa bổ sung hồ sơ đăng ký thành lập quỹ mở theo quy định. UBCK sẽ sớm có ý kiến cuối cùng, để mở đường cho sự ra đời sản phẩm quỹ mở đầu tiên trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam.

Vì sao mới có 1 bộ hồ sơ?

Trước khi Thông tư 183/2011/TT-BTC hướng dẫn thành lập và quản lý quỹ mở, được Bộ Tài chính ban hành vào cuối năm ngoái, đã có không ít công ty quản lý quỹ (CTQLQ) chuẩn bị hồ sơ thành lập quỹ mở, để khi có văn bản pháp lý sẽ đề nghị UBCK cho phép sớm triển khai xây dựng quỹ mở. Theo tìm hiểu của báo Đầu tư chứng khoán, thực tế có 5 CTQLQ bắt tay xây dựng loại quỹ này tại Việt Nam.

Tuy nhiên, ông Long cho biết, đến thời điểm này, UBCK mới nhận được 2 bộ hồ sơ đăng ký thành lập quỹ mở. Sau khi yêu cầu bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định, thì ngày 7/8, UBCK mới nhận được bộ hồ sơ bổ sung từ VFM. UBCK đang thẩm định và sẽ sớm có ý kiến cuối cùng để mở đường cho sự ra đời sản phẩm quỹ mở đầu tiên trên TTCK Việt Nam.

Sau diễn biến VFM là CTQLQ duy nhất tiếp tục hoàn thiện hồ sơ đăng ký thành lập quỹ mở tính đến thời điểm này, câu hỏi đặt ra là do đâu mà các CTQLQ chưa xin thành lập? Lý giải tình trạng này, ông Long cho rằng, “quả bóng” tiến độ ra đời các sản phẩm quỹ mở đang nằm trong chân CTQLQ. Việc chậm xuất hiện quỹ mở trong thời gian vừa qua phần nhiều do các yếu tố khách quan, như điều kiện thị trường chưa thuận lợi. Nhưng cũng có nguyên nhân chủ quan từ phía chính các CTQLQ và các tổ chức cung cấp dịch vụ trung gian, đặc biệt trong đầu tư cơ sở vật chất, cũng như các yếu tố khác để đảm bảo cho sự thành công của quỹ sau khi đi vào hoạt động.

Nỗ lực gỡ vướng

Ngoài lý do khách quan từ thị trường, liệu có những bất cập về chính sách khiến các CTQLQ chưa mặn mà thành lập quỹ mở? Đơn cử như đến thời điểm này, Bộ Tài chính, UBCK vẫn chưa ban hành hướng dẫn về chế độ kế toán đối với quỹ mở? Ông Long khẳng định, điều này không hề ảnh hưởng đến việc cấp phép thành lập và hoạt động của quỹ mở. Tuy nhiên, để sớm hoàn chỉnh và đồng bộ hóa chính sách cho hoạt động của quỹ mở, UBCK đang phối hợp với đơn vị chức năng của Bộ Tài chính khẩn trương xây dựng hướng dẫn về vấn đề này.

Trả lời câu hỏi liệu những bất cập của chính sách thuế hiện tại có phải là nguyên nhân khiến các CTQLQ khó huy động quỹ, ông Long nhìn nhận, vấn đề này đã được Bộ Tài chính, UBCK nhận diện và đang nỗ lực tháo gỡ từng bước theo đúng quy định của pháp luật về thuế. UBCK cũng đang phối hợp với đơn vị chức năng của Bộ Tài chính, hoàn thiện dự thảo Thông tư hướng dẫn về thuế đối với lĩnh vực chứng khoán để sớm ban hành. Tuy nhiên, những vướng mắc căn cơ hơn phải chờ sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, cũng như các văn bản liên quan.

Theo các CTQLQ, một mối quan ngại khác khiến họ chưa mặn mà lập quỹ mở là khó khăn trong tìm nhà cung cấp dịch vụ ngân hàng giám sát, mức phí phải chi trả cho loại dịch vụ này còn cao. Lý do là bởi, hiện mới có HSBC Việt Nam cung cấp dịch vụ này, nên chưa có tính cạnh tranh về chất lượng dịch vụ, cũng như về phí.

Ông Long cho hay, để hỗ trợ cho quỹ mở phát triển, trong Thông tư 183/2011/TT-BTC cũng đã có quy định cho phép Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) cung cấp dịch vụ cho quỹ mở. VSD đang nghiên cứu phương án tham gia cung cấp dịch vụ đại lý chuyển nhượng, để các CTQLQ có nhiều lựa chọn hơn, thay vì phải qua ngân hàng giám sát như hiện tại.

Nguồn Đầu tư chứng khoán


Sự kiện