Thứ Bảy | 12/04/2014 10:17

Sắp có quy định xử lý sở hữu chéo các tổ chức tín dụng

Tổng dư nợ cấp cho cổ đông sáng lập, cổ đông lớn và các bên liên quan không quá 5% vốn điều lệ ngân hàng.
Nhiều quy định mới trong dự thảo thông tư về các giới hạn, tỷ lệ an toàn hoạt động của tổ chức tài chính (gọi tắt là dự thảo), thay thế cho Thông tư 13, sắp được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ký ban hành, được giới tài chính nhận định sẽ giúp xử lý vấn đề sở hữu chéo, "rút ruột" các tổ chức tín dụng thông qua hệ thống công ty sân sau.

Trước hết, liên quan đến qui định mới về hạn chế cấp tín dụng, điều 11 của dự thảo thông tư quy định tổ chức tín dụng không được cấp tín dụng không có đảm bảo (tín chấp) với điều kiện ưu đãi cho các tổ chức kiểm toán, kiểm toán viên đang kiểm toán ngân hàng; kế toán trưởng, cổ đông lớn, cổ đông sáng lập, người thẩm định-xét duyệt cấp tín dụng, công ty con, công ty liên kết của ngân hàng hoặc công ty mà ngân hàng nắm quyền kiểm soát.

Theo dự thảo, các tổ chức tín dụng phải báo cáo đại hội đồng cổ đông, chủ sở hữu và báo cáo NHNN về các khoản tín dụng (có thế chấp) cấp cho các đối tượng nêu trên.

Bên cạnh đó, tổng dư nợ cấp cho cổ đông sáng lập, cổ đông lớn và các bên liên quan không quá 5% vốn điều lệ ngân hàng, đồng thời không được vượt quá phần vốn góp của những người đó đầu tư vào ngân hàng (tính theo mệnh giá).

Qui định này cùng với một số qui định mới khác, chưa từng xuất hiện trong Thông tư 13 trước đây, được giới tài chính nhận định sẽ thúc đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngân hàng, đặc biệt xử lý vấn đề sở hữu chéo, "rút ruột" các tổ chức tín dụng thông qua hệ thống công ty sân sau mà một số "ông chủ" ngân hàng đã thực hiện thời gian qua.

Tổng dư nợ cấp cho cổ đông sáng lập, cổ đông lớn và các bên liên quan không quá 5% vốn điều lệ ngân hàng, đồng thời không được vượt quá phần vốn góp của những người đó đầu tư vào ngân hàng (tính theo mệnh giá).

Liên quan đến vấn đề giá trị thực của vốn điều lệ, dự thảo lần đầu tiên đưa vào những điều khoản mới, theo đó các ngân hàng phải báo cáo NHNN mỗi sáu tháng về con số giá trị thực vốn điều lệ.

Giá trị thực của vốn điều lệ được tính trên nguyên tắc sau khi đã trích lập đầy đủ dự phòng rủi ro, tính đủ các khoản thu nhập-chi phí khi xác định kết quả kinh doanh.

Trong trường hợp giá trị thực vốn điều lệ thấp hơn vốn pháp định, các ngân hàng phải có ngay phương án xử lý khắc phục và báo cáo NHNN. Nếu giá trị thực vốn điều lệ giảm xuống dưới 80% vốn pháp định, NHNN sẽ áp dụng các biện pháp hạn chế hoặc đình chỉ một số mảng hoạt động.

Qui định khắt khe này được dự báo sẽ tác động trực tiếp tới các ngân hàng đang phải đối mặt với hiệu quả kinh doanh thấp hoặc có khả năng thua lỗ khi phải trích lập đầy đủ dự phòng rủi ro.

Nguồn TBKTSG


Sự kiện