Sắp có quỹ chuẩn bị và khởi động dự án theo hình thức PPP
Một nguồn quỹ ban đầu không lớn (20 triệu USD), nhưng theo một cán bộ của Văn phòng PPP (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), lại có ý nghĩa lớn với việc phát triển hình thức PPP ở Việt Nam.
“Ngân khoản này sẽ tạo thế chủ động cho Nhà nước trong chuẩn bị dự án, cũng như lựa chọn nhà đầu tư tham gia dự án PPP. Trước đây, không có quỹ để chuẩn bị dự án, Nhà nước ở vào thế bị động, nhà đầu tư tự xây dựng đề án và đề xuất và nhiều khi, cũng vì thế mà buộc phải lựa chọn chính nhà đầu tư đó”, vị cán bộ trên cho biết.
Thực tế, ngay từ khi bắt đầu thí điểm đầu tư theo hình thức PPP tại Việt Nam, chủ trương được đưa ra là, Nhà nước sẽ xây dựng và chuẩn bị dự án, sau đó đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Chính Thứ trưởng thường trực Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh cũng đã nhiều lần khẳng định, để PPP có thể phát triển ở Việt Nam, điều quan trọng là phải tạo được thị trường cho PPP, xây dựng được các dự án thí điểm có tính thương mại cao để hấp dẫn nhà đầu tư tư nhân.
Tuy nhiên, lâu nay, các dự án thí điểm theo hình thức PPP hầu hết do phía nhà đầu tư đề xuất. Hoặc nếu do các địa phương xây dựng, thì vì không có kinh phí ban đầu và cũng một phần do trình độ, nên không đủ sức hấp dẫn.
Thậm chí, theo vị đại diện của Văn phòng PPP, các bộ, ngành, địa phương chưa đề xuất các dự án thực sự có tính thương mại, đủ sức hấp dẫn các nhà đầu tư.
“Hầu hết các nội dung đề xuất cũng không đáp ứng được các yêu cầu của Quy chế PPP, do đó không đủ điều kiện để trình Thủ tướng Chính phủ. Có dự án được đề xuất vô cùng sơ sài, chỉ bao gồm tên dự án, mà không có vốn đầu tư, hầu hết các dự án đều chưa có đề xuất về phần đóng góp của phía Nhà nước”, vị đại diện trên nói.
Đây cũng chính là một trong những lý do, mà cho tới nay, danh mục các dự án được thí điểm đầu tư theo hình thức PPP vẫn còn dang dở. Những dự án đã được lựa chọn, như dự án Nhà máy Nước sông Hậu 1; dự án Cầu Nguyệt Viên - Thanh Hóa… vẫn đang trong quá trình nghiên cứu, xây dựng dự án.
Có quỹ hỗ trợ và chuẩn bị dự án, nhiều nút thắt sẽ được tháo gỡ. Và điều quan trọng là, theo ông Lê Văn Tăng, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), sau sự hỗ trợ của ADB, nhiều nhà tài trợ khác cũng đang sẵn sàng hỗ trợ vốn cho quỹ này.
“AFD là ví dụ điển hình, có thể ngân khoản mà họ tài trợ cho Quỹ sẽ vào khoảng 8 triệu EUR. Ngoài ra, một số nhà tài trợ khác cũng đã bày tỏ sự quan tâm. Chúng tôi cũng đã xây dựng Quỹ theo mô hình mở, để không chỉ ADB, mà còn các nhà tài trợ khác nếu có nhu cầu, đều có thể bổ sung nguồn vốn cho Quỹ. Và như vậy, chúng ta sẽ có thêm kinh phí để chuẩn bị các dự án PPP một cách tốt hơn, có tính thương mại cao để hấp dẫn nhà đầu tư”, ông Tăng cho biết.
Thực tế, sau một thời gian tiến hành khá chậm, nhiều động thái gần đây cho thấy, Chính phủ Việt Nam đang tích cực thúc đẩy hình thức PPP trong đầu tư cơ sở hạ tầng cho Việt Nam. Sau quyết định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc thành lập một bộ phận phụ trách “một cửa” về PPP ở Cục Quản lý đấu thầu, Chính phủ mới đây đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo PPP, do Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải là Trưởng ban.
Ban Chỉ đạo có chức năng giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, triển khai thực hiện mô hình PPP; đôn đốc, điều phối hoạt động giữa các bộ, ngành và địa phương trong việc thực hiện thí điểm mô hình PPP; xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật hướng dẫn việc triển khai thí điểm mô hình PPP…
Một động thái quan trọng khác, một cơ chế riêng cho dự án đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, dự án đầu tiên được lựa chọn thí điểm đầu tư theo hình thức PPP, cũng đã được Chính phủ thông qua. Và cũng không kém phần quan trọng, thời gian gần đây, rất nhiều đoàn nhà đầu tư nước ngoài đã tới Việt Nam để tìm kiếm cơ hội đầu tư theo hình thức PPP.
Cuối tuần trước, đoàn các nhà đầu tư hàng đầu của Mỹ cũng đã gửi tới Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh bản danh sách các dự án hạ tầng lớn mà họ quan tâm đầu tư tại Việt Nam theo hình thức PPP.
Nguồn Báo Đầu tư