Thứ Hai | 27/05/2013 11:45

Sắp có làn sóng doanh nghiệp dệt may Trung Quốc đổ xô vào Việt Nam

Việt Nam hấp dẫn doanh nghiệp dệt may Trung Quốc muốn tận dụng lợi thế giảm thuế khi vào thị trường Mỹ nhờ hiệp định sắp ký của Việt Nam.
Sau nhiều năm lạm phát cao, tăng trưởng kinh tế chững lại, Việt Nam lại trở thành điểm hấp dẫn đối với nhà đầu tư khi các nhà sản xuất Trung Quốc đua nhau mỏ rộng hoạt động tại Việt Nam với hy vọng hiệp định miễn thuế quan giữa Việt Nam với Mỹ (Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương – TPP) có hiệu lực.

Thực tế, nếu Việt Nam hoàn tất thỏa thuận TPP với Mỹ và 9 nước khác, thuế 17% đánh vào hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ sẽ được xóa bỏ. Do đó, hàng dệt may của Việt Nam sẽ có lợi thế hơn Trung Quốc và sẽ là lý do để các doanh nghiệp dệt may Trung Quốc chuyển cơ sở sang Việt Nam. Hàng dệt may Trung Quốc hiện chiếm tới 37% thị trường Mỹ.

Doanh nghiệp dệt may Texhong của Trung Quốc dự định sẽ mở rộng hoạt động tại Việt Nam. “Hàng dệt may xuất khẩu từ Việt Nam đang được hưởng lợi miễn thuế quan khi vào Trung Quốc. Nếu họ tiếp tục được miễn thuế quan khi vào Mỹ, kế hoạch mở rộng công suất của chúng tôi là chưa đủ”, Hong Tianzhu, chủ tịch của Texhong cho tờ South China Morning Post biết.

Đàm phán TPP đầu tiên vừa kết thúc tại thành phố Lima của Peru vừa qua với các vấn đề liên quan bản quyền, mậu dịch xuyên biên giới và các vấn đề pháp lý. Nhưng thỏa thuận về hàng hóa dệt may là một trong những điểm đáng chú ý và để được hưởng ưu đãi thuế, 0%, Việt Nam phải đồng ý rằng toàn bộ quá trình sản xuất từ dệt, may, nhuộm phải được thực hiện tại các quốc gia thành viên TPP. Vòng đàm phán tiếp theo dự kiến diễn ra Kuala Lumpur vào ngày 15/7 tới.

Ông Hong cho rằng, hiệp định này sẽ tạo ra làn sóng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Năm ngoái, Texhong cho biết sẽ đầu tư xây nhà máy 300 triệu USD tại Quảng Ninh. Khi giai đoạn hai của kế hoạch đầu tư này hoàn thành vào năm tới, công suất của doanh nghiệp này sẽ tăng hơn 2 lần lên 110.000 tấn tơ sợi/năm.

Hãng dệt Pacific của Trung Quốc cũng dự kiến mở một công ty liên doanh 180 triệu USD với một công ty dệt may khác của Hong Kong tại Việt Nam trong năm nay.

Nguồn SCMP/Dân Việt


Sự kiện