Thứ Tư | 27/05/2015 15:34

Sắp có gói tín dụng cho phân khúc nhà ở thương mại trung bình

Chính phủ sẽ sớm xem xét “bơm” thêm gói tín dụng hàng chục nghìn tỷ đồng cho thị trường BĐS.

Thông tin trên được ông Nguyễn Trần Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, đưa ra tại sự kiện HomeExpo 2015 vừa được khai mạc sáng nay (27/5) tại TP.HCM.

“Đây là gói tín dụng hỗ trợ cho phân khúc nhà ở thương mại trung bình với số tiền ở quy mô tương đối lớn. Trong bối cảnh thị trường BĐS cả nước đang ở thời kỳ đầu của sự phát triển bền vững, bên cạnh hàng loạt chính sách phát triển mới sắp có hiệu lực, gói tín dụng này sẽ là một nhân tố quan trọng để đưa thị trường phát triển mạnh mẽ hơn. Lúc này hơn bao giờ hết, doanh nghiệp BĐS cần chuẩn bị chiến lược tái cơ cấu lại dòng sản phẩm để đón đầu những cơ hội mới”, ông Nam nói.

Đánh giá về thông tin trên, nhiều doanh nghiệp BĐS cho biết đây là một tín hiệu tốt cho thị trường, chắc chắn các doanh nghiệp sẽ có được sự hồ hởi để hoạch định những chiến lược phát triển mới.

Ông Nam cũng nhấn mạnh rằng thị trường BĐS Việt Nam đang hưởng lợi từ những kết quả tốt từ nền kinh tế vĩ mô. Điều này cho thấy từ đầu năm 2015 đến nay thị trường BĐS đã có sự tăng trưởng khá ngoạn mục và đang bước vào chu kỳ phát triển bền vững.

Cụ thể, trong tháng 5/2015 cả Hà Nội và TP.HCM có khoảng 1.600 - 1.650 giao dịch nhà ở chính thức qua sàn, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, và so với tháng 4/2015 tăng khoảng 3-4 lần. Trong đó, phân khúc nhà ở quy mô nhỏ và trung bình đều có sự tăng trưởng đồng đều, hiện tại các giao dịch bắt đầu lan sang phân khúc trung, cao cấp và nhà biệt thư, đất nền.

“Việc tăng giá bán nhà trong thời gian qua có sự biến động là điều chúng ta không mong đợi. Tuy nhiên, khi thị trường lên thì giá nhà có tác động tăng chút ít, khoảng 1-3%, là điều chấp nhận được. Doanh nghiệp cần phải nhìn thấy sự bền vững lâu dài và quan trọng nhất là phải giữ được giá bán ở mức ổn định”, ông Nam cho biết thêm.

Chung quan điểm trên, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, cho rằng doanh nghiệp cần chú trọng vào sự tăng trưởng giao dịch hơn là tăng giá bán trong lúc thì trường đang trên đà phục hồi.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, dư nợ tín dụng trong lĩnh vực BĐS tính đến 31/03/2015 đạt 333.701 tỷ đồng, tăng 10,5% so với thời điểm 31/12/2014 và tăng 2% so với thời điểm 28/2/2015, tăng gần bằng mức tăng của toàn bộ thị trường dự kiến trong năm 2015.

Ngoài ra, tồn kho BĐS cũng giảm đáng kể. Tính đến ngày 20/5/2015, tổng giá trị tồn kho BĐS còn khoảng 67.443 tỷ đồng (so với quý I/2013 giảm 61.105 tỷ đồng (giảm 47,53%); so với tháng 12/2013 giảm 27.015 tỷ đồng (giảm 28,60%); so với thời điểm 20/4/2015 giảm 1.338 tỷ đồng.

Kết quả giải ngân gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng tính đến ngày 30/4/2015 đã tăng nhanh so với thời kỳ đầu mới thực hiện. Theo đó, tổng số tiền đã cam kết là 13.078 tỷ đồng, đã giải ngân là 7.155 tỷ đồng. Trong đó, đối với hộ gia đình, cá nhân, ký hợp đồng cam kết cho vay 16.870 hộ với số tiền là 7.999 tỷ đồng; đối với tổ chức, cam kết cho vay 38 dự án với số tiền là 5.079 tỷ đồng...

“Những con số trên đạt được trong một thời gian ngắn là kết quả của một số chính sách ngắn hạn đúng đắn dành riêng cho thị trường của Chính phủ. Sắp tới, thị trường sẽ đón nhận nhiều yếu tố mới từ 6 nghị định và 9 thông tư chuẩn bị được hành, góp phần thúc đẩy thị trường BĐS phát triển”, ông Nam cho biết.

Tuy nhiên, một số chuyên gia kinh tế nhấn mạnh rằng ở giai đoạn thị trường phát triển tốt như hiện nay, doanh nghiệp BĐS không nên “té nước theo mưa”, tức là tiếp tục kinh doanh thiếu minh bạch, tự làm giá và không đảm bảo tiến độ hoàn thành dự án. Sắp tới Chính phủ sẽ ban hành nghị định về thông tin, số liệu, thống kê và báo cáo thị trường BĐS, do vậy những doanh nghiệp thiếu minh bạch sẽ đánh mất lòng tin của thị trường.

Nguồn CafeF/Trí Thức Trẻ