Chủ Nhật | 18/01/2015 16:16

Sắp cấp phép cho dự án siêu lọc dầu tại Bình Định

Chiều 17/1, UBND tỉnh Bình Định tổ chức cuộc họp xin ý kiến xung quanh những vấn đề liên quan đến Dự án Tổ hợp lọc hóa dầu ASEAN (Dự án Victory).

Cuộc họp này diễn ra trước khi UBND tỉnh Bình Định làm việc với Tập đoàn Dầu khí Thái Lan (PTT) dự kiến diễn ra từ ngày 19 – 21/1/2015 để hoàn thành các nội dung về cấp Giấy chứng nhận đầu tư dự án này.

Tại cuộc họp, ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã thông báo kết quả triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 2591/TTg-KTN ngày 19/12/2014.

Trong Văn bản này, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo UBND tỉnh Bình Định xem xét việc Giấy chứng nhận đầu tư cho Dự án theo quy định để thực hiện các bước tiếp theo.

Bên cạnh việc thảm khảo ý kiến các bộ, ngành liên quan đến cơ sở pháp lý trong việc bàn giao mặt bẳng cho PTT, UBND tỉnh Bình Định cũng đã kiến nghị việc UBND tỉnh trực tiếp cấp giấy phép thay vì Ban Quản lý Khu kinh tế.

Tuy nhiên, theo ông Dũng, Ban Quản lý Khu kinh tế sẽ là đơn vị thẩm định hộ sơ, thủ tục trình UBND tỉnh ký giấy phép, cũng như theo dõi, xem xét đề xuất UBND tỉnh xử lý các vấn đề điều chỉnh, bổ sung giấy phép cho phù hợp với thực tế phát sinh trong quá trình triển khai dự án.

Liên quan vấn đề này, đại diện Vụ Quản lý các Khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, theo Nghị định 108/2005/NĐ-CP thì thẩm quyền cấp phép Dự án thuộc Ban Quản lý Khu kinh tế Nhơn Hội, vì dự án nằm trong Khu kinh tế.

Tuy nhiên, theo Vụ Quản lý các Khu kinh tế, cho dù cơ quan này cấp phép cũng phải hoàn tất mội thủ tục để trình Chính phủ phê duyệt trước khi cấp phép và quyền lợi của Nhà đầu tư được đảm bảo theo cam kết trong giấy phép.

Một vấn đề khác liên quan đến phần lớn diện tích trong Khu kinh tế Nhơn Hội nằm trong khu vực dự trữ khoáng sản Quốc gia, UBND tỉnh Bình Định cũng kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét loại bỏ toàn bộ diện tích quy hoạch các khu chức năng trong khu kinh tế ra khỏi khu vực dự trữ khoáng sản.

Ngoài ra, Bình Định cũng đang xúc tiến các dự án Khu phức hợp của hai nhà đầu tư là VSIP và AMATA để phát triển công nghiệp phụ trợ và nhà ở cho công nhân phục vụ dự án Victory. Vì vậy, Bình Định kiến nghị cho hai dự án này kết nối với Khu kinh tế Nhơn Hội để được hưởng các chính sách ưu đãi như các dự án trong khu kinh tế.

Vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho rằng, việc này đã có tiền lệ ở nhiều địa phương, tuy nhiên cự ly của các dự án này không quá xa khu kinh tế thì có thể đề xuất kết nối, nếu các dự án nằm quá xa khu kinh tế thì sẽ đề xuất hưởng chính sách ưu đãi tương tự các dự án trong khu kinh tế.

Bên cạnh những vấn đề trên, UBND tỉnh Bình Định cũng kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các bộ ngành liên quan xem xét bố trí vốn hỗ trợ tỉnh triển khai các công trình hạ tầng ngoài khu kinh tế.

Trong đó đáng chú ý như dự án đường nối sân bay Phù Cát với Khu kinh tế Nhơn Hội, đường chuyên dụng phía Tây khu kinh tế, cầu Thị Nại 2, kinh phí giải phóng mặt bằng và tái định cư (500 tỷ đồng)...

Nhìn nhận về vấn đề này, ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), thành viên Ban tư vấn tỉnh Bình Định cho rằng, việc đầu tư hạ tầng cũng như giải phóng mặt bằng, tái định cư ngốn kinh phí khá lớn, có thể lên đến hàng nghìn tỷ. Vì vậy nếu dựa vào ngân sách thì không bao giờ đủ.

Theo ông Hà, Bình Định cần đề xuất bộ ngành trình Chính phủ xây dựng một cơ chế đặc biệt để thu xếp nguồn vồn triển khai các hạng mục này, trên cơ sở dựa vào các nguồn thuế như thuế nhà thầu, thuế VAT... mà dự án có thể đóng góp trong tương lai, từ đó vay vốn các ngân hàng thương mại để có nguồn vốn lớn triển khai xây dựng hạ tầng.

Nguồn Đầu tư