Sắp cấp mã số thuế cho người phụ thuộc
Theo ông Nguyễn Văn Phụng, Thông tư hướng dẫn Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật thuế TNCN và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật thuế TNCN ban hành tới đây sẽ quy định cấp mã số thuế cho người phụ thuộc từ 1/7 nhằm kiểm soát và tránh gian lận thuế. "Qua hệ thống kê khai thuế sẽ giám sát việc kê khai thuế của cá nhân có trung thực hay không" - ông Phụng khẳng định.
Đồng tình, bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế cho rằng, quy định này xuất phát từ thực tế, thời gian qua đã có nhiều trường hợp 1 người khai giảm trừ gia cảnh cho nhiều người. Bà Cúc đơn cử ví dụ: một gia đình có 10 người con và cả 10 người đều khai giảm trừ cho bố, mẹ… thì cơ quan thuế sẽ thất thu.
"Ở các nước như Thụy Điển họ cấp mã số công dân ngay khi đứa trẻ ra đời và coi đây là mã số thuế cá nhân. Việt Nam chưa làm được như vậy thì khi cấp mã số thuế cá nhân phải cấp luôn mã số thuế cho người phụ thuộc, tránh trùng cách xác định người nộp thuế. Một người phụ thuộc chỉ được khai và được giảm trừ gia cảnh một lần, cơ quan thuế dễ dàng kiểm soát nguồn thu thuế hơn, tránh thất thu thuế"- bà Cúc nêu quan điểm.
Tuy nhiên, bà Tạ Thị Phương Lan -Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế TNCN - Tổng cục thuế lưu ý, việc cấp mã số thuế cho người phụ thuộc sẽ chỉ được cấp từ 1/7, những người thuộc diện giảm trừ đã khai trước đó vẫn sẽ giữ nguyên.
Ngoài ra, theo ông Phụng, vì Luật sửa đổi có hiệu lực từ 1/7 tới nên nhiều người đang có ý nghĩ rằng nên hoãn trả lương cho người lao động tới tháng 7-8 để được hưởng miễn thuế 6 tháng đầu năm. "Đây là "sự hiểu lầm đáng tiếc" - ông Phụng nói.
Để tránh lãng phí và mất thời gian sau này ông Lê Xuân Trường - Phó chủ nhiệm Khoa Thuế - Hải quan (Học viện Tài chính) nêu quan điểm, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) nên phối hợp, làm việc với Bộ Công an và Bộ Tư pháp để "biến" mã số thuế cá nhân thành mã số thuế công dân. "Sau này mỗi lần thay đổi từ mã này sang mã kia tiêu tốn vài chục ngàn tỷ thì quả là lãng phí" - ông Trường chia sẻ.
Trong Thông tư sẽ hướng dẫn thu nhập chịu thuế, tính thuế là thu nhập của cả năm, hàng tháng chỉ là tạm thu. Thu nhập cả năm sẽ được chia đều 12 tháng để tính tiền lương bình quân 1 tháng. Dựa trên con số này, 6 tháng đầu năm sẽ được áp theo mức giảm trừ gia cảnh 6 tháng đầu năm; ngược lại 6 tháng cuối năm thì áp theo quy định 6 tháng cuối năm (Luật sửa đổi bổ sung có hiệu lực từ 1/7/2013 -PV).
"Hoạt động chi trả lương cho cán bộ vẫn phải diễn ra bình thường, chứ không phải dồn thu nhập lại dồn trả vào cuối năm để né thuế. Điều này Nhà nước đã tính tới nên sẽ có hướng dẫn cụ thể trong Thông tư" - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế - Tổng cục thuế nhấn mạnh.
Nguồn Infonet