Sao Ta vẫn có mức tăng trưởng tốt trong năm nay, dù thị trường nhiều khó khăn. Nguồn ảnh: Báo mới

 
Minh Anh Thứ Bảy | 23/02/2019 14:57

Sao Ta đặt mục tiêu doanh số tăng 13% trong năm 2019

Dù Sao Ta không có sản lượng xuất khẩu cao như Minh Phú nhưng đây là công có tình hình kinh doanh ổn định, tăng trưởng đều, giá trị gia tăng cao.

Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (FMC) trước đây là công ty con của CTCP Thủy sản Hùng Vương (HoSE: HVG). Dù vậy, vì khó khăn tài chính, HVG đã thoái toàn bộ vốn tại Sao Ta vào tháng 11.2017. 

Hiện nay, Sao Ta là công ty con trực thuộc Công ty Cổ phần Tập đoàn PAN (HoSE: PAN) . Trong năm 2018, công ty tiêu thụ được 14.306 tấn tôm và 1.378 tấn nông sản. Từ đó, Sao Ta ghi nhận doanh số tiêu thụ 163,6 triệu USD hay 3.806 tỉ đồng doanh thu (tăng trưởng gần 9%), nhưng lợi nhuận trước thuế đạt 192,2 tỉ đồng, tăng tới gần 70% so với năm 2017.

Sao Ta dat muc tieu doanh so tang 13% trong nam 2019
 

Hiệp định thương mại Việt Nam – EU (EVFTA) dự kiến sẽ chính thức có hiệu lực trong năm 2019 với khoảng 90% dòng thuế đánh vào các mặt hàng thủy sản xuất khẩu qua Châu Âu (EU) sẽ giảm về 0% trong 3-4 năm. Đây là lợi thế lớn so với các nước khác cùng xuất khẩu thủy sản, bởi mức thuế nhập khẩu EU hiện khoảng 14%. Ngoài ra, một số thị trường như Hàn Quốc, Asean dự báo trong thời gian tới nhu cầu sẽ tăng cao. Dự báo năm 2019 xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ tăng trưởng cao, có thể cán đích 10 tỉ USD.

Năm 2019, Mỹ được xác định là thị trường tăng trưởng chủ chốt của tôm Việt Nam. Vasep cho rằng toàn ngành sẽ phải lên kế hoạch giảm thiểu ảnh hưởng của thuế chống bán phá giá cũng như sức ép giá thấp từ Ấn Độ.

Việt Nam là nguồn cung tôm lớn nhất cho Hàn Quốc chiếm thị phần áp đảo 58% trong khi các đối thủ khác (Thái Lan 11,2%, Ecuador 10,5%, Trung Quốc 4,8%). Tôm Việt đang có lợi thế khi Hàn Quốc đang tăng nhập khẩu tôm từ Việt Nam, Ecuador và giảm nhập từ Thái Lan, Trung Quốc so với năm 2017.

Trên thị trường Hàn Quốc, Việt Nam phải cạnh tranh về giá với tôm Trung Quốc, Ấn Độ và Ecuador. Tuy nhiên, Việt Nam chịu thuế nhập khẩu thấp nhất (10%) so với các nguồn cung đối thủ khác như Trung Quốc (20%), Ấn Độ (12,5%), Ecuador (20%) và Thái Lan (10%). Đây đều là những thị trường của FMC.

Dù Sao Ta không có sản lượng xuất khẩu cao như Minh Phú nhưng đây là công có tình hình kinh doanh ổn định, tăng trưởng đều và giá trị gia tăng cao. Nhất là sản lượng tôm xuất khẩu sang Mỹ và Nhật.

Sao Ta thuộc top 3 công ty xuất khẩu tôm lớn nhất và là công ty nuôi trồng, chế biến tôm hiệu quả tại Việt Nam. Hiện nay, 40% sản lượng xuất khẩu của Sao Ta là vào thị trường Nhật Bản. Trước đó, trong báo cáo tháng 1, Sao Ta cho biết sản lượng chế biến tôm đạt 1.261 tấn do trong giai đoạn khan hiếm tôm nguyên liệu. Công ty đã tiêu thụ 1.297 tấn tôm và 147 tấn nông sản, doanh số tăng nhẹ so với cùng kỳ đạt mức 13,9 triệu USD.

Công ty thống nhất mức cổ tức bằng tiền mặt cho năm 2018 là 20%/mệnh giá (mỗi cổ phiếu được nhận 2.000 đồng). Dự kiến kế hoạch chi cổ tức bằng tiền mặt năm 2019 cũng là 20%/mệnh giá.

Bên cạnh đó, Sao Ta cũng dự kiến phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ trong năm 2019 với số lượng phát hành là 20%/vốn điều lệ. Dự kiến kế hoạch 2019, Sao Ta đặt tiêu thụ 16.000 tấn tôm và 1.450 tấn nông sản. Doanh số tiêu thụ dự kiến là tăng 13% lên mức 185 triệu USD, tuy nhiên lợi nhuận sau thuế lại giảm còn 180 tỉ đồng.