Thứ Sáu | 25/09/2015 15:06

Sao giá dầu lại giảm khi đáng lẽ phải tăng?

Giá dầu Mỹ phiên 23/9 giảm mạnh nhất trong tháng 9 cho dù các số liệu ủng hộ theo chiều ngược lại. Tại sao?

Theo số liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), lượng dầu lưu kho của Mỹ trong tuần kết thúc vào 18/9 giảm 1,9 triệu thùng, cao hơn nhiều so với dự đoán giảm 100.000 thùng của giới phân tích.

Thông thường số liệu dạng này là dấu hiệu cho thấy cầu tăng hoặc nguồn cung giảm so với dự kiến và giúp đẩy giá dầu tăng lên.

Giá dầu tăng lên gần mức cao nhất 1 tuần, rồi lại nhanh chóng đảo chiều khi giá dầu ngọt nhẹ WTI giảm 4,1% xuống 44,48 USD/thùng, thấp nhất kể từ 14/9, mà không hề có bất kỳ thông tin "sốt nóng" nào, các nhà môi giới và giới phân tích cho biết.

Nhiều thương nhân coi đà tăng giá là cơ hội tuyệt vời để chốt lời. Nhiều trader đã đặt cược giá dầu tăng từ cuối hôm thứ Ba 22/9 khi Viện Dầu mỏ Mỹ (API) cho biết, lượng dầu lưu kho của Mỹ trong tuần kết thúc vào 18/9 giảm 3,7 triệu thùng.

Giá dầu đã giảm hơn 50% kể từ mức đỉnh hồi tháng 6/2014 và với tình trạng thừa cung vẫn còn tiếp diễn, giới thương nhân đang theo dõi những biểu đồ mà có thể "tái khởi động" tình trạng bán tháo, giới phân tích cho biết.

John Saucer, phó chủ tịch phụ trách nghiên cứu và phân tích tại Mobius Risk Group ở Houson, cho biết, nếu bạn nhìn vào biểu đồ giá 10 ngày hoặc biểu đồ giá từ đầu tháng 9 đến nay, mức giá đỉnh là 47 USD/thùng và một số thương nhân sẽ chốt lời sau số liệu của API/EIA.

Société Générale cho biết, có những lý do cơ bản về cung-cầu khiến giá dầu "mắc ket" trong phạm vi hẹp. Nguồn cung dầu của Mỹ giảm đang thiết lập mức giá sàn nhưng lo ngại sự gia tăng sản lượng dầu của OPEC và đồn đoán lượng dầu dự trữ toàn cầu tiếp tục tăng sẽ khiến việc phá vỡ mức giá trần trở nên khó khăn hơn.

Nhật Trường

Nguồn WSJ