Sao gạo Việt cứ mãi đi trước về sau?
Sản lượng xuất khẩu gạo thơm của Công ty Lương thực Sóc Trăng dang tăng trưởng khá nhanh tại các thị trường Hồng Kông, Đài Loan, Singapore và Mỹ. Vì vậy, để tận dụng cơ hội nâng lượng gạo xuất khẩu trong năm 2015, doanh nghiệp này đã liên kết với người dân tăng diện tích trồng lúa thơm Jasmine 85 từ 1.800 ha lên 4.000 ha theo hình thức bao tiêu. Hiệp hội Lương thực Việt Nam cũng quyết định chọn Jasmine 85 để xây dựng thành thương hiệu gạo quốc gia. Dường như đây là một quyết định có phần vội vàng.
Gạo thơm Việt không mạnh
So với những năm trước, sản lượng gạo thơm xuất khẩu của Việt Nam đang tăng trưởng nhanh hơn rất nhiều. Nếu như năm 2010, gạo thơm xuất khẩu chỉ đạt 216.000 tấn thì đến năm 2014, con số này là trên 1,3 triệu tấn. Giá xuất khẩu gạo thơm trong năm ngoái đã tăng từ 460 USD lên 620 USD/tấn, cao hơn các loại gạo trắng khác. Thị trường Trung Quốc và châu Phi cũng nhập khẩu gạo thơm của Việt Nam nhiều hơn do giá cạnh tranh so với gạo thơm của Thái Lan.
Vài năm qua, thị trường Úc và New Zealand đã bắt đầu nhập khẩu một lượng nhỏ gạo thơm của Việt Nam. Gạo thơm Việt cũng bắt đầu xuất hiện lần đầu tiên tại thị trường Mỹ vào cuối năm ngoái. Tuy nhiên, người tiêu dùng Mỹ đánh giá chất lượng loại gạo này không bằng sản phẩm từ Thái Lan, dù có giá thấp hơn từ 10-45 USD/kg. Hiện gạo thơm Hom Mali của Thái Lan có giá xuất khẩu từ 1.065-1.075 USD/tấn, còn gạo thơm Basmati của Ấn Độ là 1.515-1.525 USD/tấn.
So với các nước trong khu vực, sản lượng và giá trị gạo thơm Việt Nam xuất khẩu chỉ là một con số nhỏ. Không kể thị trường Mỹ, giá gạo thơm xuất khẩu của Việt Nam trong những năm gần đây chỉ bằng 50% so với gạo thơm Campuchia hay Thái Lan. Còn ở Mỹ, theo Tiến sĩ Trần Văn Đạt, nguyên Chánh chuyên gia Tổ chức Lương nông Thế giới (FAO), gạo thơm Thái Lan đã chiếm đến 80% thị phần. Người Thái vốn đã xây dựng thương hiệu gạo được 100 năm qua và hiện có 250 thương hiệu quốc gia khác nhau cho sản phẩm chất lượng từ trung bình đến cao.
Một đối thủ mới của Việt Nam là Campuchia đang rất mạnh trong lĩnh vực xuất khẩu gạo thơm. Gạo thơm Jasmine của Campuchia là một trong những sản phẩm được ưa chuộng, sau nhiều lần đạt danh hiệu gạo ngon nhất trong các cuộc triển lãm lúa gạo thế giới.
Mặc dù sản lượng gạo xuất khẩu của Campuchia chưa thể sánh với Việt Nam, nhưng gạo Campuchia lại cao hơn gạo Việt Nam về mặt giá trị. Theo niêm yết trên website Liên đoàn Lúa gạo Campuchia (CRF), gạo Jasmine của Campuchia có giá 820-850 USD/tấn. Còn giá xuất khẩu bình quân của gạo Jasmine Việt Nam chỉ ở mức dưới 450-620 USD/tấn.
Mới chỉ xuất khẩu gạo trong vài năm, nhưng gạo thơm Campuchia lại đang thâm nhập thành công vào một số thị trường lớn, khó tính như châu Âu và Mỹ. Ngay cả một số thị trường nhập khẩu gạo trung bình, cấp thấp, vốn là thị trường truyền thống của Việt Nam như Philippines, cũng đang hướng đến gạo Campuchia.
Gạo Jasmine là tốt nhất?
Gạo thơm Jasmine là loại gạo hạt dài có xuất xứ tại Thái Lan và có mùi thơm. Trong thời điểm xây dựng thương hiệu, gạo Hom Mali mới có chất lượng tốt nhất và trở thành loại gạo xuất khẩu chủ lực của Thái Lan. Theo Giáo sư Võ Tòng Xuân, gạo Jasmine hiện đã bị loại bỏ tại nhiều nước. Lý do bởi vì loại gạo này sau khi trồng sẽ không giữ được đặc tính nguyên thủy như ở Thái Lan.
Tại Mỹ, giống lúa thơm Jasmine 85 được trồng vào năm 1989. Nhưng sau khi thu hoạch, mùi thơm và hương vị lại không được như gạo nhập khẩu từ Thái Lan. Vì thế, Mỹ đã không tiếp tục trồng Jasmine 85 nữa mà tiếp tục nhập khẩu gạo thơm Thái Lan.
Mặt khác, mỗi giống lúa, nhất là giống lúa chất lượng cao và thơm, chỉ thích nghi với những vùng thổ nhưỡng nhất định. Ví dụ như lúa thơm Basmati của Ấn Độ chỉ trồng ở bang Punjab, hay Hom Mali của Thái Lan chỉ trồng ở cao nguyên Thung Kula. Thế nên, nếu triển khai trồng Jasmine một cách đại trà sẽ rất khó.
Thực tế, trong vụ đông xuân 2014-2015, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Tân Cường (huyện Tam Nông, Đồng Tháp) đã liên kết trồng 1.000 ha lúa Jasmine 85 với công ty con của Vinafood 1. Nhưng sau khi thu hoạch, tỉ lệ hạt thuần chỉ đạt 70%, trong khi yêu cầu phải được 90%. Nguyên nhân là giống lúa này không phù hợp với đất phèn.
Trong khi Việt Nam vẫn loay hoay với việc chọn thương hiệu gạo xuất khẩu và chọn gạo thơm Jasmine thì tại nhiều nước, gạo Jasmine đã được cải tiến cho chất lượng tốt hơn rất nhiều. Chẳng hạn, từ năm 1999, Bộ Nông nghiệp Mỹ đã cải tiến giống lúa Jasmine lên giống lúa Jazzman có mùi hương và chất lượng giống gạo Hom Mali của Thái Lan.
Cũng phải nói thêm, tại Việt Nam, một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo đã có thương hiệu gạo xuất khẩu riêng, chất lượng cao và khá uy tín, được nhiều nước trên thế giới ưa chuộng. Ví dụ như gạo Hoa Sữa của Công ty Việt Phú. Gạo Hoa Sữa đã được thị trường Anh và Nhật yêu thích, vì đây là loại gạo hữu cơ, trồng hoàn toàn thủ công và sạch. Hoặc gạo Cỏ May của Công ty Cỏ May xuất khẩu sang Singapore với thương hiệu Nosavina.
Hãy quay trở lại với câu chuyện thương hiệu gạo Việt. Dù xuất khẩu gạo thơm Việt Nam đang tăng tại nhiều thị trường, nhưng giá trị lại không cao do các doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh không công bằng. Cụ thể, các loại gạo Jasmine của Việt Nam chỉ bằng một nửa giá so với gạo thơm Hom Mali của Thái Lan và 1/3 giá so với Basmati của Ấn Độ. Lý do là các doanh nghiệp Việt đua nhau giảm giá để tranh giành hợp đồng.
Theo ông Trần Ngọc Trung, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Gạo Vinh Phát, để cạnh tranh được với gạo thơm của các nước, doanh nghiệp Việt cần chấn chỉnh ngay tình trạng kinh doanh cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng tới uy tín chung.
Trong lúc vẫn đứng trước nhiều khó khăn, gạo Việt lại bắt đầu phải giảm sản lượng xuất khẩu. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, từ đầu năm 2015, xuất khẩu gạo của Việt Nam liên tục giảm. Kết thúc tháng 8, xuất khẩu gạo đạt giá trị 1,76 tỉ USD, giảm 13,1% và khối lượng đạt 4,09 triệu tấn, giảm 8,6%. Tình trạng xuất khẩu gạo Việt Nam sụt giảm có nguyên nhân từ sự cạnh tranh của nhiều quốc gia xuất khẩu gạo mới nổi khác, như Myanmar và Campuchia.
Đến thời điểm này, Việt Nam chỉ mới bắt đầu vào cuộc tìm kiếm thương hiệu gạo quốc gia. Trong khi đó, ở cuộc thi “Gạo ngon nhất thế giới” gần đây, Myanmar và Campuchia đã qua mặt nhiều cường quốc lúa gạo với giống gạo ngon mang đặc thù riêng. Còn Việt Nam dù được biết đến là quốc gia xuất khẩu gạo thứ 3 thế giới, nhưng suốt 26 năm qua vẫn chưa hề có loại gạo đặc thù nào và cũng chưa có thương hiệu gạo riêng.
Mai Hân