Chủ Nhật | 18/08/2013 13:37

Sản xuất trứng tại Pháp lâm vào khủng hoảng thừa

Trong tuần qua, 400.000 quả trứng gà đã bị các nhà sản xuất đập vỡ tại Pháp. Một cuộc khủng hoảng thừa đang hiện diện và ngày một trầm trọng.

Thà phá hủy, quyết không bán rẻ

Thứ triết lý phổ biến trong lòng tư bản phương Tây một lần nữa có thêm một minh chứng tiêu biểu của ngành sản xuất trứng gà tại Pháp.

Gần một thế kỷ trôi qua, có thể không còn nhiều người đã trải qua thời kỳ 1929-1933 còn sống để kể lại câu chuyện khủng hoảng thừa một cách chân thực nhất. Nhưng một vài số liệu sau đây có thể gợi nhắc một vài ý niệm về mối nguy hại của một cuộc khủng hoảng thừa.

Trong khi nhân dân lao động thiếu thốn, nhà chủ tư bản vẫn quyết không bán rẻ, không cho không, mà lựa chọn cách phá hủy để cắt giảm cung, ngăn đà giảm giá.

Năm 1931, tại Mỹ 124 tàu biển bị đánh đắm, 1/4 diện tích trồng bông bị phá hủy, 6,4 triệu con lợn bị giết,... Tại Brazil, 22 triệu bao cà phê bị ném xuống biển, 100 triệu kg chè bị đem đốt.

Hơn một năm trước, những người bán sữa ở Ấn Độ cũng đã đem sữa đi đổ nhằm phản đối sự giảm giá thu mua của các hãng sản xuất sữa Ấn Độ. Đó là hình ảnh khó quên nhất đối với thủ đô New Delhi những ngày cuối tháng 4/2012.

Đập vỡ 400.000 quả trứng - cơn thịnh nộ của những nông dân Pháp

Những ngày giữa tháng 8, tại Pháp câu chuyện có mặt trên khắp các mặt báo là sự kiện 100.000 quả trứng bị các nhà sản xuất tại Saint-Brieuc đập vỡ. Sự kiện nhanh chóng lan rộng ra khắp vùng Bretagne. Tính riêng trong tuần qua, tổng cộng đã có 400.000 quả trứng bị đập vỡ bởi 8 nhà sản xuất trứng tại Bretagne.

Đêm 7/8, sự kiện 100.000 quả trứng bị đập vỡ đã khởi đầu cho làn sóng phản đối của các nhà sản xuất trứng tại Pháp trước cảnh giá thu mua giảm xuống quá thấp.

Nguyên nhân dẫn đến sự tức giận đó là do giá mua vào của các nhà phân phối lớn quá thấp. Hình ảnh về số lượng trứng khổng lồ bị vỡ đã tạo nên sức lan tỏa mạnh mẽ trong giới truyền thông Pháp nhưng quan trọng hơn, liệu phản ứng trên có mang trả lại quyền lợi thực sự cho những người nông dân Pháp?

Kể từ nhiều tháng nay, sản lượng trứng trên thị trường đã vượt quá 5% so với cầu tiêu thụ kéo theo sự sụt giá thê thảm được thu mua bởi các nhà phân phối. Cho đến khi mức giá xuống chỉ còn 0,43 euro/chục trứng, thấp hơn giá vốn 0,23 euro.

Người nông dân Pháp phải đầu tư khoảng 20 euro cho mỗi con gà mái, trong khi phải bán ra với mức giá bị kéo xuống thấp không “thương tiếc”. Nghịch lý hơn, khi giá mua vào thấp là vậy, nhưng giá bán cho người tiêu dùng vẫn liên tục tăng hơn 133 % trong tháng 2/2012 và 119% trong tháng sau đó. Sự tăng giá được phản ánh qua giá bánh ngọt và mỳ ống.

Thừa sản lượng, hẹp đầu ra

Thực ra tình trạng này đã được Liên đoàn gia cầm Pháp cảnh báo từ cuối năm 2012. Sau khi quan sát biến động về giá trứng trong năm 2012, Liên đoàn ra cảnh báo, gánh nặng lớn hơn sẽ trút lên các nhà sản xuất trứng tại Pháp trong năm 2013.

Mây đen phủ bóng lên ngành sản xuất trứng tại Pháp.
Mây đen phủ bóng lên ngành sản xuất trứng tại Pháp.

Lý giải cho cuộc khủng hoảng thừa trứng đang phủ bóng đen lên nhà sản xuất trứng lớn nhất Châu Âu, cần phải quay trở về thời điểm tháng 1/2012 khi chỉ thị mới về chăn nuôi gia cầm được Liên minh châu Âu (EU) ban hành. Theo đó, những con gà đã được chuyển đến chiếc chuồng rộng rãi hơn, một chuồng chỉ chứa khoảng 20-60 con. Kèm theo những yêu cầu phải để cho gà chăn nuôi được đậu trên những cành nhân tạo, thậm chí có cả dụng cụ để cào móng và một chiếc tổ để trú ẩn khi sợ hãi..

Gà được nuôi nhốt đúng theo tiêu chuẩn mới của EU.
Ngay sau chỉ thị này, nước Pháp đã đối mặt với tình trạng thiếu trứng gà, do các nhà sản xuất chưa kịp đáp ứng, khiến nguồn cung sụt giảm. Để tiếp tục sản xuất và có lãi, dĩ nhiên người nông dân Pháp phải hiện đại hóa trang trại, mở rộng quy mô, gia tăng số lượng gia cầm. Cho đến nay, những trang trại tốt nhất được xây dựng để chăn nuôi gà, tạo điều kiện giảm tỷ lệ chết và giữ cho sản lượng luôn tăng ổn định ở mức 2%.

Một sản lượng lớn như vậy lại đang bị thu hẹp đầu ra khi EU xóa bỏ trợ cấp xuất khẩu cho một số sản phẩm xuất sang các nước thứ ba hay xếp trứng vào những mặt hàng nhạy cảm khi xuất khẩu, cộng với những quy đinh khắt khe bậc nhất của EU về quyền lợi của động vật.

Trong khi các nước không nằm trong EU như Ukraine có thể nuôi gà bằng những chất vốn bị cấm tại EU, giúp giảm chi phí sản xuất, tăng sức cạnh tranh trước những bạn hàng đến từ Pháp. Chính những lý do này đã làm cho sản lượng những sản phẩm từ gia cầm đang dư thừa 15 đến 20 triệu con không riêng gì tại Pháp mà trên toàn Châu Âu.

Giá nào thì hợp lý: 7 euro/100 quả trứng?

Hình ảnh bên ngoài của một trang trại sản xuất trứng hiện đại ở Pháp.

Liên đoàn Quốc gia các Hội nông dân (FNSEA) đã lên tiếng quan ngại cho tương lai của các nhà sản xuất trứng : “Sau khi đầu tư rất nhiều để đáp ứng các tiêu chuẩn chăn nuôi và quyền lợi của động vật", bây giờ họ phải đối mặt với khủng hoảng thừa, dẫn đến sự sụt giảm đáng kể trong mức giá và mất các hợp đồng sản xuất nhất định.

Tóm lại, nỗ lực sản xuất những sản phẩm đúng tiêu chuẩn giờ đây đang không được đền đáp xứng đáng.

Những nhà sản xuất làm việc với những thị trường bán buôn là những người bị tổn thương nhiều nhất khi thị trường trứng sụp đổ. Các kênh phân phối lớn đang tiếp tục gây sức ép lên nhà sản xuất khi kéo giá trứng đi xuống đang trên đà tụt dốc.

Ông Yves-Marie Baudet, chủ tịch Ủy ban phụ trách mặt hàng trứng thuộc Liên Minh sản xuất thịt Bretagne bức xúc cho rằng: “Trứng gà đáng được bán với giá 7 euro/100 quả, thế nhưng họ đang phải ngậm ngùi bán với giá 5 euro.”

Giải pháp cho cuộc khủng hoảng thừa

Sau lần tức giận ấy, những người nông dân Pháp đang đươc đón tiếp tại Rennes, với sự có mặt của ông Stéphane Le Foll - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Pháp. Ngài bộ trưởng đã hứa sẽ mở một lối thoát riêng cho nông dân gặp khó khăn.

Và những người khó khăn nhất là nhà sản xuất trứng tại vùng Bretagne (chiếm hơn 40% tổng sản lượng trứng tại Pháp). Tuy nhiên, ông Le Foll cũng chỉ đủ thẩm quyền kêu gọi kênh phân phối giảm áp lực giá cho các nhà cung cấp, vì nhà nước không thể hỗ trợ thêm về tài chính cho người nông dân theo quy định của Ủy ban Châu Âu (EC).

Để đối phó với khủng hoảng thừa, Hiệp hội đa ngành đã đề xuất những giải pháp hà khắc, chẳng hạn như kéo dài thời gian khử trùng chuồng gà trước mỗi đợt nuôi mới hoặc ngừng chăn nuôi trong một khoảng thời gian.

Đổi lại, nhà nước có thể có những trợ giúp trong xuất khẩu hoặc giảm nhẹ những áp lực với nhà sản xuất. Hiện tại, mức giá cạnh tranh này đã được tận dụng để xuất khẩu trứng sang châu Á và Trung Mỹ, những thị trường mà các nhà sản xuất nên hướng đến trong nỗ lực rút ngắn khoảng cách giữa cung và cầu, trước khi giá bán khởi sắc trở lại tại Pháp.

Giảm cung bằng cách ngừng sản xuất, tăng cường xuất khẩu sang các thị trường châu Á và Trung Mỹ là những biện pháp đang được đề xuất để đối phó với cuộc khủng hoảng thừa tại Pháp..

Dù cho thế nào, 400.000 quả trứng đã vỡ như một giọt nước tràn ly đối với người nông dân Pháp, cũng như một sự tiếc nuối của những người ngoài cuộc khi chứng kiến sự lãng phí một khối lượng thực phẩm mà chắc chắn có thể được dùng để giúp đỡ hàng trăm người nghèo tại đất nước hình lục lăng.

Sắp tới, nhà nước sẽ hỗ trợ đưa 400.000 quả trứng tiếp theo đến các tổ chức xã hội. Con số 400.000 được lựa chọn không hề ngẫu nhiên để nhắc lại một sự việc thật sự đáng tiếc trong lịch sử ngành nông nghiệp Pháp.

Nguồn Dân Việt/Le Monde


Sự kiện