Sản xuất tôm Thái Lan 2014 dự kiến tăng 20%
Năm 2012, Thái Lan sản xuất khoảng 540.000 tấn tôm nguyên liệu. Hội chứng EMS bắt đầu xuất hiện tại Thái Lan năm 2012, tuy nhiên phải sang năm 2013, ngành tôm nước này mới bắt đầu hứng chịu tổn thất nghiêm trọng từ đại dịch này khi sản lượng chỉ đạt 250.000 tấn.
Theo thống kê của Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), 2 tháng đầu năm 2014, xuất khẩu tôm Thái Lan sang các thị trường tiếp tục giảm mạnh cả về khối lượng lẫn giá trị so với cùng kỳ năm 2013. Khối lượng tôm xuất khẩu trong thời gian này giảm 49,1%, từ 37.592 tấn năm 2013 xuống còn 19.150 tấn. Giá trị xuất khẩu giảm 30,2%, từ 350 triệu USD xuống còn 244,4 triệu USD.
Mỹ vẫn là thị trường tiêu thụ tôm số 1 của Thái Lan (chiếm khoảng 40% tổng xuất khẩu tôm của nước này) mặc dù xuất khẩu sang thị trường này giảm tới 37% về khối lượng và 9,5% về giá trị. Ngoài ra, xuất khẩu sang các thị trường trọng điểm khác như Nhật Bản, Anh, Canada, Australia trong 2 tháng đầu năm cũng sụt giảm.
Năm 2013, xuất khẩu tôm Thái Lan giảm mạnh nhất trong vòng 5 năm qua. xuất khẩu sang các thị trường đều sụt giảm, đặc biệt là xuất khẩu sang Mỹ. Năm vừa qua, xuất khẩu tôm Thái Lan sang Mỹ giảm “thê thảm” trong đó, khối lượng xuất khẩu giảm 39,8%, từ 129.362 tấn năm 2012 xuống 77.887 tấn, giá trị giảm 23,8%, từ 1,14 tỷ USD xuống còn 881 triệu USD.
Trước khi bị EMS tấn công, Thái Lan luôn dẫn đầu về cung cấp tôm cho Mỹ, chiếm 25% tổng nguồn cung tôm cho thị trường này. Tuy nhiên, xuất khẩu tôm sang Mỹ của Thái Lan trong năm qua đối mặt với nhiều khó khăn. Bên cạnh sản xuất trong nước chịu ảnh hưởng của EMS, ngành tôm Thái Lan còn phải đương đầu với cáo buộc từ Mỹ về việc lạm dụng lao động và sử dụng lao động trẻ vị thành niên.
Năm 2013, với sản lượng tôm chân trắng tăng mạnh, Ấn Độ đã nhanh chóng vượt qua Thái Lan về cung cấp tôm cho Mỹ và có thể tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu trong năm 2014 này.
Nguồn Vasep