Sản xuất điện thoại di động 8 tháng ước tăng 40%
Chỉ số sản xuất công nghiệp 8 tháng năm nay ước tính tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2013. Trong mức tăng chung 8 tháng của toàn ngành công nghiệp, ngành chế biến, chế tạo tăng 8,1%, đóng góp 5,6 điểm phần trăm; sản xuất và phân phối điện tăng 11,2%, đóng góp 0,8 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, xử lý nước thải, rác thải tăng 6,2%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; riêng ngành khai thác tiếp tục giảm ở mức 0,8%, làm giảm 0,2 điểm phần trăm mức tăng chung.
Sản xuất sản phẩm điện tử, máy tính và quang học tăng 34,5%; sản xuất xe có động cơ tăng 20,2%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 20,2%; dệt tăng 17,0%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc thiết bị) tăng 13,8%; sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy tăng 13,1%; sản xuất trang phục tăng 11,6%; sản xuất và phân phối điện tăng 11,2%.
Trong các sản phẩm sản xuất, một số sản phẩm đạt mức tăng 8 tháng cao so với cùng kỳ năm 2013, điện thoại di động tăng 40,4%; ô tô tăng 27,9%; thép cán tăng 22,8%; tivi tăng 20,1%; giày dép da tăng 17,6%; sữa tươi tăng 16,9%; vải dệt từ sợi tự nhiên tăng 15,6%. Một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ như xe máy giảm 11,7%; thuốc lá điếu giảm 11,2%; khí hóa lỏng (LPG) giảm 7,7%; sữa bột giảm 3,8%; than đá giảm 3,0%; bột ngọt giảm 1,5%; dầu thô giảm 0,8% đạt 10,1 triệu tấn, xấp xỉ 70% kế hoạch năm của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; phân hỗn hợp (N,P,K) giảm 0,6%; sắt, thép thô giảm 0,1%.
Chỉ số sản xuất công nghiệp 8 tháng so với cùng kỳ năm trước của Hải Phòng tăng 11,5%; Đà Nẵng tăng 10,9%; Hải Dương tăng 9,7%; Bình Dương tăng 8,1%; Cần Thơ tăng 7,7%; Đồng Nai tăng 7,7%; TPHCM tăng 6,5%; Quảng Nam tăng 5,1%; Bà Rịa-Vũng Tàu tăng 4,9%; Hà Nội tăng 4,5%; Quảng Ninh tăng 3,8%; Vĩnh Phúc giảm 3,6%; Bắc Ninh giảm 4,4%; Quảng Ngãi giảm mạnh ở mức 19,0%, chủ yếu do Nhà máy lọc dầu Dung Quất tập trung bảo dưỡng định kỳ.
Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 7 năm nay tăng 2,7% so với tháng trước và tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng, chỉ số tiêu thụ ngành này tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2013.
Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm 1/8/2014, tăng 13,4% so với cùng thời điểm năm 2013. Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao hơn nhiều so với mức tăng chung như sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 54,1%; sản xuất trang phục tăng 46,1%; sản xuất phương tiện vận tải khác tăng 42,6%; sản xuất kim loại tăng 36,5%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 33,2%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 30,4%.
Tỷ lệ tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo bình quân 7 tháng là 77,3%, trong đó một số ngành có tỷ lệ tồn kho cao như sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu 158,9%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất 125,0%; sản xuất, chế biến thực phẩm 99,1%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn 87,2%; sản xuất kim loại 89,2%.
Chỉ số sử dụng lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1/8/2014 tăng 4,1% so với cùng thời điểm năm trước, trong đó lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước giảm 0,5%; doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng 4,2%; doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 5,6%. Tại thời điểm trên, chỉ số sử dụng lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp khai khoáng giảm 4,1% so với cùng thời điểm năm trước; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,7%; sản xuất, phân phối điện tăng 2,3%; cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 4%.
Chỉ số sử dụng lao động trong các doanh nghiệp của Vĩnh Phúc tăng 7,0%; Bắc Ninh tăng 6,3%; Quảng Nam tăng 4,9%; Đồng Nai tăng 4,9%; Bình Dương tăng 3,6%; Cần Thơ tăng 3,4%; Hải Phòng tăng 3,3%; Quảng Ninh tăng 2,7%; Bà Rịa-Vũng Tàu tăng 2,5%; Đà Nẵng tăng 2,4%; TPHCM tăng 2,0%; Quảng Ngãi giảm 1,6%; Hải Dương giảm 1,7%.
Nguồn Theo DVO/GSO