Ảnh: Quý Hòa.

 
Lam Hồng Thứ Hai | 19/07/2021 08:29

Sản xuất chuyển trạng thái "bình thường mới"

Rủi ro đứt gãy sản xuất đang hiện hữu và nếu không có giải pháp phù hợp với tình hình mới...

Trong đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4, các lệnh giãn cách diện rộng khiến nhiều nhà máy, cơ sở sản xuất buộc phải đóng cửa. Với thị trường trong nước, nguồn cung hàng gia dụng, thiết yếu sẽ biến động khi người tiêu dùng lo ngại về tác động tiêu cực của việc đình trệ sản xuất. Nhu cầu tăng cao khiến cho tình trạng thiếu hụt càng trở nên tồi tệ hơn, dẫn đến “hiệu ứng Bullwhip” khi nhu cầu thị trường về một sản phẩm bị bóp méo.

Ảnh: Đồng Nai News.
Chuẩn bị chỗ nghỉ cho công nhân tại nhà máy tại Đồng Nai.

Ông Trần Thiên Long, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Các doanh nghiệp Khu công nghiệp TP.HCM (HBA), cho rằng, với tình hình như hiện nay, doanh nghiệp sẽ điêu đứng vì không thể sản xuất. Khảo sát trực tiếp của HBA cho thấy, hầu hết doanh nghiệp đều nói đơn hàng của họ khá dồi dào, nếu bị phong tỏa dài ngày như hiện nay sẽ bị gãy chuỗi sản xuất. “Họ mong muốn được hoạt động trở lại. Họ chấp nhận và đề xuất phương án vừa làm việc vừa giãn cách ngay trong nhà máy, trong đó, toàn bộ hoạt động sản xuất và ăn ở sẽ được thực hiện tại công ty và không di chuyển ra bên ngoài để tránh lây nhiễm”, ông nói.

Thực tế từ nhiều quốc gia cho thấy quan điểm mâu thuẫn về tác động chính của đại dịch đối với nền kinh tế thế giới. Đó là quan điểm coi giãn cách xã hội, chứ không phải COVID-19, đang gây ra tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Trong khi đó, quan điểm đối lập cho rằng nếu để dịch bệnh lây lan không kiểm soát, các hoạt động kinh tế có thể giảm tới 30% mỗi tháng do nhân công bị nhiễm COVID-19 không thể đến làm việc…

Mâu thuẫn này buộc Việt Nam vẫn duy trì mô hình “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch bệnh vừa thúc đẩy, phát triển kinh tế. Theo mô hình này, khi dịch bệnh lên tới hơn 10.000 ca lây nhiễm diện rộng, TP.HCM đã chỉ đạo cho phép tiếp tục hoạt động sản xuất đối với các doanh nghiệp khi đảm bảo 1 trong 2 trường hợp: “3 tại chỗ” (sản xuất tại chỗ, ăn tại chỗ, nghỉ ngơi tại chỗ) và “1 cung đường - 2 địa điểm” (chỉ duy nhất một cung đường vận chuyển công nhân tập trung từ nơi ở đến nơi sản xuất - có thể chọn ký túc xá, khách sạn, chỗ ở tập trung cho công nhân).

 

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển TP.HCM, cho rằng: “Trong môi trường dịch bệnh tồn tại, chúng ta chỉ có thể kiểm soát, do đó phải hết sức thận trọng, tìm giải pháp để thích nghi với cuộc sống và tổ chức kinh doanh trong điều kiện an toàn”.

Chấp nhận COVID-19 tồn tại lâu dài và cần sống chung với dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp đã chuyển sang mô hình sản xuất mới. Chẳng hạn, Công ty Cổ phần Ba Huân vẫn tiếp tục cung cấp thịt gà và trứng cho TP.HCM đều đặn do đã kích hoạt phương án “3 tại chỗ”. Ông Phạm Thanh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Ba Huân, cho biết, đây là cách để bảo vệ nhân viên và chuỗi sản xuất không bị đứt gãy ngay khi thành phố yêu cầu giãn cách xã hội.

Từ năm ngoái, Công ty Cổ phần C.P Việt Nam đã duy trì hệ thống cho các nhân viên chăn nuôi ở lại nhà máy để tránh lây lan dịch bệnh. “Với các trang trại được đặt ở xa khu dân cư tại các tỉnh vùng ven, chúng tôi yên tâm không bị lây nhiễm dịch bệnh. Do đó, nguồn cung thịt heo cho thành phố và các tỉnh lân cận luôn dồi dào”, ông Lê Xuân Huy, Phó Tổng Giám đốc C.P Việt Nam, cho biết.

Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng đủ điều kiện để áp dụng các mô hình này. Khảo sát ở Khu chế xuất Tân Thuận cho thấy, chỉ có khoảng 50% có thể hoạt động trở lại và đủ điều kiện vừa sản xuất vừa ăn ở lại nhà máy. Với khu công nghệ cao, số lượng doanh nghiệp có thể hoạt động trở lại cũng tương tự. Mới đây, Công ty Pouyuen Việt Nam, với khoảng 56.000 công nhân, phải tạm ngừng sản xuất 10 ngày, tính từ ngày 14.7 vì không thể bố trí cho tất cả người lao động ăn ở tại nhà máy.

 

Kiểm soát được dịch là điều kiện tiên quyết để kinh tế vận hành trở lại một cách hiệu quả. Tiêm vaccine cho công nhân và ngăn không cho dịch bệnh lây lan, bùng phát trong các doanh nghiệp, khu công nghiệp, tránh làm đứt gãy chuỗi cung ứng chắc chắn phải nằm trong danh sách những việc ưu tiên hàng đầu để duy trì và thúc đẩy tăng trưởng. “Tuy nhiên, trước mắt, để đáp ứng mục tiêu kép, cần có những giải pháp nhằm cân bằng cuộc chiến chống virus và những nỗ lực phục hồi kinh tế”, Tiến sĩ Phạm Công Hiệp, Đại học RMIT, nhận định.

Theo ông, trước hết cần xác định các ngành kinh tế mũi nhọn và mức độ giảm thiểu hoạt động tối đa các ngành này có thể chấp nhận do giãn cách xã hội mà không gây tác động tiêu cực đến toàn bộ nền kinh tế. Đó là các ngành vật tư y tế và năng lượng, sản xuất hàng hóa thiết yếu và các chuỗi cung ứng dịch vụ chủ chốt, vận chuyển hàng hóa và hành khách. Bên cạnh đó, đưa ra hướng dẫn, quy trình và quy định đánh giá rủi ro, đồng thời củng cố hành vi phù hợp của mọi thành viên trong chuỗi cung ứng để đảm bảo hiệu quả phòng bệnh chung.

“Cuối cùng là thiết lập các biện pháp y tế tránh gián đoạn chuỗi cung ứng bằng cách chấp nhận mức độ lây nhiễm trong cộng đồng ở mức kiểm soát được để giảm thiểu rủi ro và chi phí cho nền kinh tế. Việc trở lại tình trạng bình thường phụ thuộc vào khả năng truy tìm nguồn lây, xét nghiệm quy mô lớn và cách ly người nhiễm hiệu quả”, Tiến sĩ Phạm Công Hiệp nhận định.