Sản lượng tôm trên toàn cầu phục hồi sau dịch bệnh
Giáo sư James Anderson thuộc trường Đại học Florida nhận định sản lượng tôm toàn cầu đang phục hồi, sau một thời gian dài hoành hành của dịch tôm chết sớm (early mortality syndrome - EMS).
Dựa trên khảo sát hàng năm dành cho các lãnh đạo doanh nghiệp ngành nuôi tôm, có thể thấy rằng trong giai đoạn năm 2011- 2013 sản lượng tôm nuôi trên thế giới giảm 14%, chủ yếu do dịch EMS. Tuy nhiên, tình hình này đã phần nào được kiểm soát và minh chứng cụ thể nhất là sản lượng tôm năm nay đã quay trở lại mức của năm 2011. Trong ngắn hạn, ông Anderson cho rằng các nhà sản xuất tôm sẽ tập trung nhiều hơn vào các giống tôm kích thước nhỏ, nhằm hạn chế tối đa rủi ro bệnh dịch.
Giáo sư Anderson dự báo sản lượng tôm toàn cầu sẽ có tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm ước đạt trên 7% từ năm 2013 cho đến năm 2017, so với mức 6% của giai đoạn 2006-2011.
"Có được số liệu thống kê chính xác và kịp thời về sản lượng tôm trên toàn thế giới là rất khó. Phần lớn ngành nuôi tôm hầu như đều tập trung ở các nước đang phát triển, và các nước này ít khi có đủ nguồn lực để thu thập dữ liệu chi tiết", ông Anderson cho hay.
Vì thế, con số sụt giảm 14% trong giai đoạn 2011-2013 của giáo sư Anderson trong giai đoạn là trái ngược hoàn toàn với mức tăng 6,3% được báo cáo bởi Tổ chức nông lương LHQ (FAO). Tuy nhiên, ông Anderson cũng chỉ ra rằng giá tôm đã tăng mạnh trong giai đoạn này, có nơi tăng tới hơn 20%, một bằng chứng rõ ràng cho việc sụt giảm sản lượng.
Tôm là loại hải sản được tiêu thụ nhiều nhất tại Mỹ, và hiện tại giá tôm tại nước này đã giảm hơn 25% so với lúc đỉnh điểm vào năm 2013. Nước Mỹ đang nhập khẩu đến khoảng 90% lượng tôm được tiêu thụ tại nước này, và lượng tôm nhập khẩu trong năm 2015 dự kiến sẽ tăng 4%.
Năm 2014, Mỹ nhập khẩu 626.000 tấn tôm với trị giá gần 6,7 tỷ USD. Thái Lan từng là nước cung cấp tôm số 1 cho thị trường của Mỹ suốt từ 2000 cho đến năm 2012, nhưng đến năm 2015 thì nước này đã tụt xuống hạng 5, chủ yếu là do dịch EMS. Giờ đây, Ấn Độ, Indonesia và Ecuador đang là 3 nước cung cấp tôm lớn nhất cho Mỹ.
Nhìn chung, ngành nuôi tôm trong tương lai sẽ ghi nhận sự tăng lên của nguồn cung khi dịch EMS được khống chế, và đi kèm với đó là mức giá sẽ giảm đi đáng kể tại các thị trường trọng điểm.
Đinh Hạnh