Sản lượng tôm toàn cầu sụt giảm do bệnh dịch và giá thấp
Báo cáo mới nhất mang tên Globefish của Tổ chức Nông Lương Thế giới (FAO) cho biết sản lượng tôm nuôi trong năm 2016 đã không tăng trưởng, thậm chí là sụt giảm so với năm 2015 vì giá tôm trên thị trường thế giới giảm, cộng thêm sự bùng phát dịch bệnh ở một số nước sản xuất hàng đầu.
Theo báo cáo này, mùa vụ chính của tôm nuôi ở châu Á kết thúc vào tháng 11 với xu hướng sản xuất trì trệ. Điều này đã đi ngược lại dự báo trước đó là sản lượng tăng vào năm 2016.
Dữ liệu sản xuất sơ bộ năm 2016 về tôm nuôi cho thấy, sự phục hồi ở Thái Lan và sản lượng tăng mạnh ở Ecuador không đủ bù đắp cho sự suy giảm sản lượng tôm nuôi ở Trung Quốc và Việt Nam do dịch bệnh triền miên và các vấn đề liên quan. Sản lượng bình quân trên mỗi ha ở Việt Nam đã giảm 50% do chất lượng tôm thấp và mức tăng trưởng chậm. Do sản lượng trong nước thấp, cả Trung Quốc và Việt Nam đều phải nhập khẩu một lượng lớn tôm để tái chế và xuất khẩu.
Sản lượng ở Ấn Độ và Indonesia, hai nhà sản xuất tôm nuôi lớn khác ở châu Á, dự kiến sẽ thấp hơn dự báo hồi đầu năm 2016. Ở Mỹ La-tinh, sản lượng tôm nuôi tại Ecuador đã tăng ở mức vừa phải, nhưng ở Mexico thì xảy ra dịch bệnh và việc phải thu hoạch sớm đã ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng sản lượng. Nguồn cung tôm nuôi cũng không được cải thiện ở các nước khác tại khu vực Trung và Nam Mỹ.
Do vậy, ngay cả khi ngành thủy sản nội địa của Ấn Độ tăng trưởng thấp hơn dự báo, nước này vẫn vươn lên thành nhà xuất khẩu tôm hàng đầu trong 9 tháng đầu năm 2016, tiếp theo là Ecuador, Thái Lan, Indonesia và Trung Quốc. So với cùng kỳ năm 2015, xuất khẩu từ Ấn Độ tăng 11,6%, đạt tổng cộng 315.400 tấn. Xuất khẩu của Ecuador cũng tăng 7,5% (276.000 tấn) trong cùng thời gian, với doanh số bán vào thị trường Đông Á, Liên bang Nga và Mỹ La-tinh tăng lên.
Bá Ước
Nguồn FarEastern Agriculture