Thứ Năm | 17/10/2013 15:47

Sản lượng tôm toàn cầu giảm 15%

Dịch bệnh là nguyên nhân chính dẫn tới sự sụt giảm này.
Tại Hội nghị Dự báo toàn cầu cho giới lãnh đạo Nuôi trồng thủy sản (GOAL) năm 2013 diễn ra tại Pháp từ ngày 7-10/10, James Anderson, Giám đốc chương trình khai thác và nuôi trồng thủy sản thuộc Ngân hàng thế giới cho biết từ năm 2011, sản lượng tôm toàn cầu đã giảm 15%. Năm 2011, sản lượng tôm thế giới đạt 4 triệu tấn.

Cho đến năm 2011, sản lượng tôm toàn cầu tăng 5%/năm nhưng giảm 6,7% trong năm 2011-2012 và giảm 9,6% năm 2012-2013 xuống còn 3,5 triệu tấn.

Dịch bệnh là nguyên nhân chính dẫn tới sự sụt giảm này.

Châu Á là khu vực chứng kiến mức sụt giảm mạnh nhất, tuy nhiên, Ấn Độ là một ngoại lệ nhờ đó nước này đang giành lấy thị phần các nước cung cấp Châu Á khác.

Ở Mỹ Latinh, Mexico chịu thiệt hại nặng nhất do dịch bệnh gây ra. Theo ước tính sản xuất tôm của nước này có thể giảm 50%. Các nước khác trong khu vực tăng trưởng khả quan.

Dịch bệnh là thách thức lớn đối ngành sản xuất tôm hiện nay bên cạnh chi phí sản xuất tăng (chủ yếu là thức ăn) và thiếu nguồn tôm giống sạch bệnh. Quản lý môi trường đang trở thành một vấn đề quan trọng ở Châu Á trong khi các nước nuôi tôm ở Mỹ Latinh lại chú trọng tới giá thị trường và tiếp cận nguồn tín dụng.

Nói chung, ngành tôm đang trông đợi vào chuyển biến tích cực của các nền kinh tế lớn trong năm tới nhưng dịch bệnh lại là nguy cơ rủi ro cao nhất đối với ngành bởi nó hạn chế sự phát triển của thị trường. James Anderson kết luận rằng quản lý dịch bệnh chưa được đầu tư đúng mực.

Nguồn Vasep


Sự kiện