MBS cho rằng nhóm điện than sẽ hưởng lợi lớn nhất trong 2024. Ảnh: TL.

 
Ngọc Tâm Thứ Ba | 18/06/2024 07:30

Sản lượng điện năm 2024 kỳ vọng tăng trưởng tích cực

4 tháng đầu năm 2024, tiêu thụ điện toàn quốc tăng 13% so với cùng kỳ từ mức nền thấp trong năm 2023.

Tiêu thụ điện tăng cao chủ yếu do nhu cầu điện sinh hoạt dân dụng tăng mạnh do các đợt nắng nóng đến sớm, đặc biệt tăng đột biến trong tháng 3 và tháng 4. Cùng với đó, nhu cầu điện cho công nghiệp cũng có sự phục hồi, chỉ số Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) đã ghi nhận tăng trưởng dương và các hoạt động sản xuất công nghiệp phục hồi, đặc biệt từ các nhóm xi măng, sắt thép và xuất khẩu. 

Sản lượng điện năm 2024 kỳ vọng tăng trưởng tích cực 

Trong năm 2024, Công ty Chứng khoán MB (MBS) dự báo tăng trưởng tiêu thụ điện đạt 9,8% so với cùng kỳ, tương đương kịch bản phụ tải cao Quy hoạch điện VIII. Nhu cầu phục hồi nhóm công nghiệp sản xuất, cùng với nhu cầu đột biến nhóm tiêu dùng dân cư trong giai đoạn cao điểm mùa hè sẽ là 2 động lực chính cho tăng trưởng tiêu thụ điện năm nay. 

 

Về triển vọng huy động các nguồn điện, MBS cho rằng nhóm điện than sẽ hưởng lợi lớn nhất trong năm 2024, đến từ nhu cầu tăng cao đột biến tại miền Bắc, cũng như giá đầu vào giảm, giúp nguồn điện có giá bán cạnh tranh hơn điện khí. 

“QTP sẽ hưởng lợi từ xu hướng này. Đối với thủy điện, chúng tôi kỳ vọng giai đoạn tích nước quý I/2024 cũng như pha El Nino chính thức kết thúc sẽ là động lực để huy động thủy điện tốt hơn từ quý II/2024, giúp sản lượng của nhóm ghi nhận tăng trưởng từ mức nền thấp 3 quý cuối năm ngoái. Theo đó, HDG và PC1 sẽ hưởng lợi từ xu hướng này. Mặt khác, chúng tôi cho rằng điện khí sẽ vẫn gặp nhiều khó khăn trong huy động sản lượng trong năm 2024 do suy giảm nguồn khí nội địa”, MBS nhận định. 

Xây lắp hạ tầng điện đóng vai trò quan trọng trong dài hạn 

Đối với mảng xây lắp hạ tầng điện, MBS kỳ vọng nhóm doanh nghiệp xây lắp bao gồm xây lắp dự án truyền tải và nhà máy điện, sẽ có triển vọng phục hồi từ năm 2024-2025. Theo EVN, dự kiến kế hoạch đầu tư xây dựng cho năm 2024 vào khoảng 102.000 tỉ đồng, tăng 12% so với mức thực hiện trong năm 2023 với dự án đường dây 500 kV mạch 3 Quảng Trạch - Phối Nối là trọng tâm. 

“PC1, TV2 sẽ là những doanh nghiệp niêm yết nổi bật hưởng lợi từ xu hướng tăng cường đầu tư cả lưới và nguồn điện”, MBS đánh giá. 

 

Nhìn dài hạn hơn, tổ chức này cho rằng nhu cầu phát triển hệ thống truyền tải điện rất cần thiết trong bối cảnh hệ thống điện chưa đáp ứng được tỉ trọng công suất cao năng lượng tái tạo cùng với nhu cầu tăng cường cung ứng điện từ Nam ra Bắc. Trong khi đó, xây dựng các nguồn điện sẽ là điểm tựa cho tăng trưởng kinh tế, đặc biệt với ý chí quyết tâm của chính phủ tập trung phát triển năng lượng tái tạo để tiến tới phát thải ròng bằng “0” từ năm 2050. 

Theo Quy hoạch điện VIII, kế hoạch vốn và lượng công việc cho hoạt động xây lắp (hạ tầng và nguồn điện) là rất lớn từ nay đến năm 2030. Điều này cơ bản sẽ đảm bảo nguồn việc và hỗ trợ triển vọng tăng trưởng dài hạn nhóm xây lắp điện đặc biệt đối với những doanh nghiệp có năng lực làm dự án quy mô lớn.

Có thể bạn quan tâm 

"Anh cả" ngành điện POW trở lại?