Sản lượng đất hiếm Trung Quốc có thể giảm 20% do quy định mới
Quy định mới về sản xuất đất hiếm hướng đến bảo vệ môi trường và tăng cường tái cấu trúc công nghiệp. Tuy nhiên, sẽ có tới một phần ba trong số 23 mỏ và một nửa số công ty luyện kim sẽ không thể tuân thủ được quy định mới về môi trường, người phụ trách về đất hiếm của bộ cho biết.
Các mỏ đất hiếm, hầu hết tọa lạc tại phía Bắc Trung Quốc, cho sản lượng đất hiếm tối thiểu 20.000 tấn/năm và các công ty luyện kim nước này đảm bảo mức sản lượng hàng năm ít nhất 2.000 tấn. Nếu chính sách mới được thi hành, sản lượng có thể sụt giảm 20%.
Trung Quốc sở hữu 23% trữ lượng đất hiếm toàn cầu và chiếm đến 90% nguồn cung đất hiếm thế giới. Tuy nhiên, nhu cầu đất hiếm suy yếu gần đây và tình trạng buôn lậu làm cho việc xuất khẩu đất hiếm của Trung Quốc giảm sút.
Trong nửa đầu năm nay, lượng đất hiếm xuất khẩu hợp pháp từ Trung Quốc giảm khoảng 42,7% so với năm ngoái, xuống còn 4.908 tấn. Nếu xu hướng này tiếp diễn, tổng lượng đất hiếm xuất khẩu từ Trung Quốc năm nay sẽ dưới 10.000 tấn, chưa bằng một phần ba so với mức hạn ngạch xuất khẩu 31.130 tấn đưa ra bởi Bộ Thương mại.
Từ 2007, Trung Quốc bắt đầu thắt chặt các quy định khai thác đất hiếm và các quy định về xuất khẩu, đồng thời đặt ra hạn ngạch xuất khẩu từng năm.
Tuy nhiên, hiện nay Trung Quốc đang gặp phải tranh chấp về vấn đề xuất khẩu đất hiếm. Tháng 7 vừa qua, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) thành lập ủy ban xem xét việc liệu những biện pháp hạn chế xuất khẩu đất hiếm của Trung Quốc có chấp nhận được hay không. Động thái trên là để đáp ứng kiến nghị của Nhật Bản, Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) về vấn đề này.
Nguồn China Daily/Khampha